Lần đầu tiên tại ĐBSCL thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

Sáng 30/3/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện vừa thực hiện thành công phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ. Đây là phẫu thuật lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện và cũng là lần đầu tiên ở khu vực ĐBSCL

Hình ảnh bác sĩ thăm khám anh Sang sangs30/3/2020

Hình ảnh bác sĩ thăm khám anh Sang sangs30/3/2020

Anh Bùi Văn Sang, nam, 45 tuổi, ở TP Cần Thơ. Anh Sang có triệu chứng đau cột sống cổ, tê và yếu tay chân đã nhiều tháng, hơn một tháng nay bệnh nhân không đi lại được và đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 12/3/2020.

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống và Chấn thương, thuộc Trung Tâm Chấn Thương Chỉnh Hình bệnh viện đã tiến hành hội chẩn.

Phối hợp triệu chứng lâm sàng, hình ảnh X quang, cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ cột sống cổ, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lý tủy cổ do thoát vị đĩa đệm tầng C5-6 chèn ép vào tủy sống cạnh trung tâm lệch phải. Bệnh nhân được chỉ định thay đĩa đệm nhân tạo đốt sống cổ ở tầng C5-6.

Hình ảnh cộng hưởng từ cột sống cổ trước phẫu thuật

Hình ảnh cộng hưởng từ cột sống cổ trước phẫu thuật

Ê kíp phẫu thuật gồm: BS.CKII Huỳnh Thống Em- Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình của bệnh viện; ThS.BS Nguyễn Hữu Thuyết – Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống và chấn thương; BS.CKI Lưu Tuyết Kiều – Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ê kíp đã tiến hành phẫu thuật cắt đĩa và lấy nhân nhầy giải áp cho tủy và rễ thần kinh tại chỗ. Thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ. Sau phẫu thuật ngày thứ 3 bệnh nhân có thể tự nằm nghiêng, tự đi lại được mà không cần sự hỗ trợ.

 Hình ảnh X. Quang sau phẫu thuật

Hình ảnh X. Quang sau phẫu thuật

Theo BS.CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Để điều trị bệnh lý tủy – rễ cổ nguyên nhân do khối thoát vị chèn ép vào tủy sống thường được lựa chọn phẫu thuật với phương pháp cắt đĩa đệm, lấy khối nhân nhầy để giải áp và sau đó 2 tầng đốt sống được hàn cứng lại bằng nêm PEEK cộng với nẹp vít.

Tuy nhiên việc làm cứng các đốt sống này gây mất tầm vận động tại chỗ, tăng lực tải lên các đốt sống liền kề chính vì thế có thể gây bệnh lý lên các đĩa đệm kề cận. Trong một số trường hợp cụ thể, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ có thể được chỉ định nhằm mục đích duy trì tầm vận động cột sống cổ, giảm tải lực lên các đốt sống liền kề, giảm nguy cơ gây bệnh lý cho các đốt sống và đĩa sống kế cận.

Chỉ định thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ không phải áp dụng thường qui cho tất cả người bệnh có bệnh lý thoát vị đĩa đệm, ở nhóm người bệnh còn duy trì được tập vận động cột sống cổ, các nhóm khớp cột sống cổ không thoái hóa và chức năng còn tốt thì phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ mới mang hiệu quả tối đa đối với phẫu thuật này.

Phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ là kỹ thuật chuyên sâu của lĩnh vực chấn thương chỉnh hình được thực hiện tại bệnh viện tuyến trung ương cũng như tại các Trung tâm Chấn thương chỉnh hình lớn trên cả nước và đây là trường hợp phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ thực hiện thành công lần đầu tiên tại khu vực ĐBSCL.

Với việc triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu này tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình trực thuộc Bệnh viện càng khẳng định năng lực chuyên môn tuyến cuối khu vực ĐBSCL của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của người bệnh và khả năng triển khai kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện.

PV. Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lan-dau-tien-tai-dbscl-thay-dia-dem-nhan-tao-cot-song-co-n171253.html