Lắng đọng Chương trình: 'Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên'

Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình 'Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên'; gặp mặt nguyên cán bộ Công an Thành phố thời kỳ kháng chiến chống Pháp và tham gia tiếp quản Thủ đô.

Sự kiện diễn ra vào tối 4/10/2024 tại khuôn viên trụ sở Công an thành phố Hà Nội, dưới chân tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình ý nghĩa khắc ghi dấu mốc 60 năm ngày Bác Hồ về thăm lực lượng Công an Thủ đô.

Các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: XM)

Các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: XM)

Dự chương trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Bộ Công an; các sở, ban ngành thành phố Hà Nội;

Đặc biệt, chương trình còn ghi nhận sự có mặt của các đồng chí nguyên lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội qua các thời kỳ, các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an Thủ đô từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và tiếp quản Thủ đô vào năm 1954. Cùng với đó là gần 800 cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác tại các đơn vị trong lực lượng Công an Hà Nội.

Phát biểu tại chương trình, Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một mốc son, đánh dấu thắng lợi huy hoàng của nhân dân Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Để làm nên chiến thắng đó, lực lượng Công an Hà Nội đã có những đóng góp vô cùng xứng đáng ngay từ những ngày đầu mùa Thu tháng Tám năm 1945 và trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại chương trình. (Ảnh: XM)

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại chương trình. (Ảnh: XM)

Trước ngày 10/10/1954, nhiều cán bộ Công an Hà Nội đã được phân công nhanh chóng tiếp cận nội thành đề chuẩn bị cho đại quân ta vào tiếp quản Thủ đô. Bằng sự kiên cường, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, lực lượng Công an Hà Nội đã ngăn chặn mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ các mục tiêu, vị trí quan trọng; chống đối tượng phản động cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, lực lượng Công an Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng bảo vệ công cuộc khôi phục kinh tế, góp phần phục vụ vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự ở Thủ đô, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 lần phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang", 31 đơn vị trực thuộc và 12 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", gần 3.300 lượt tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các hạng.

70 năm qua, trong chiến tranh cũng như hòa bình, bằng sự nỗ lực cố gắng, tinh thần hy sinh dũng cảm, lòng trung kiên son sắt, mỗi cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đã nối tiếp nhau xây dựng nên truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô anh hùng. Nhìn về quá khứ hào hùng đó, các thế cán bộ chiến sĩ của Công an Hà nội càng thêm tự hào, trân trọng những gì cha anh để lại, đồng thời cũng trăn trở suy nghĩ về những gì chưa làm được, đau đáu với những dự định để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu lịch sử của 70 năm trước. (Ảnh: LT)

Các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu lịch sử của 70 năm trước. (Ảnh: LT)

Xúc động nhớ lại những ngày tháng Mười lịch sử cách đây 70 năm khi tiến về tiếp quản Thủ đô,đồng chí Trần Đức Thành - nguyên cán bộ Công an Hà Nội chia sẻ, năm ấy trong không khí rộn rã tưng bừng của ngày giải phóng, lực lượng Công an vẫn không quên nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, không chỉ đấu tranh với các thế lực gián điệp, phản động, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội và những tàn dư hệ lụy mà quân địch để lại... và điểm nhấn là chuyên án C30 chống phản gián.

Cũng trong vòng 1 tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, lực lượng Công an Hà Nội đã nhanh chóng ổn định trật tự, triển khai đồng bộ công tác hộ khẩu cho người dân toàn thành phố và từng bước tái thiết đời sống mới cho người dân.

Một cựu cán bộ lão thành khác của Công an Hà Nội - đồng chí Lê Nguyên Diệu thì không thể nào quên hình ảnh Hà Nội ngày giải phóng tràn ngập cờ hoa, khẩu hiệu, cả rừng người ùa ra ôm chặt đoàn quân giải phóng, hô vang tên Bác, hoan hô chiến sĩ trở về. Sự trở về ấy đã được đánh đổi bằng xương máu và nước mắt để rồi những người chiến sĩ Công an Hà Nội đã dần tích lũy các biện pháp nghiệp vụ quý báu trên hành trình tiếp theo giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Những cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội của 70 năm trước, giờ đều đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Song vẫn nhớ như in từng hình ảnh của ngày giải phóng, những nhiệm vụ mà mình được giao và nỗ lực hoàn thành với tinh thần quyết thắng.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung trao quà lưu niệm tặng các đồng chí nguyên là cán bộ Công an Hà Nội tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: XM)

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung trao quà lưu niệm tặng các đồng chí nguyên là cán bộ Công an Hà Nội tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: XM)

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - công dân ưu tú Thủ đô năm 2023, một người đã dành rất nhiều tình yêu, tâm huyết với Hà Nội qua nhiều công trình khảo cứu bộc bạch, dù từng viết 8 cuốn sách với hơn một triệu chữ song quả thật, những hiểu biết của anh về lịch sử lực lượng Công an Hà Nội còn rất ít. Thế nhưng sau khi ngồi ở phía dưới xem lại những hình ảnh tư liệu, lắng nghe những nhân chứng lịch sử, những tiết mục ca múa nhạc hào hùng, anh thật sự xúc động và hiểu thêm nhiều hơn về những chiến công, cống hiến lớn lao của lực lượng Công an Hà Nội và càng thấm thía câu nói "Hà Nội đẹp nhất là khi bình yên".

Cũng theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả thời bình, giai đoạn nào thì lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Công an Hà Nội nói riêng cũng gắn liền với những nhiệm vụ gian khó song luôn vượt qua với tinh thần "vì nhân dân quên mình".

Gần đây nhất, khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, anh từng tình cờ được "mục sở thị" hình ảnh các chiến sĩ Công an Thủ đô vận chuyển đồ đạc giúp các hộ dân ngoài khu vực bờ đê sông Hồng, bế các cụ già, em nhỏ đặt lên thuyền phao kéo vào bờ... hình ảnh ấy đối với anh là "đặc biệt xúc động", khi đó, ngay lập tức anh đã ghi chép lại bằng hình ảnh và con chữ...

Với mong muốn làm sống lại bức tranh lịch sử và những ký ức hào hùng cách đây 70 năm, chương trình chính luận nghệ thuật "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên" gồm 3 chương, được biểu diễn theo hình thức sử thi nghệ thuật với sự đan xen giữa các màn biểu diễn ca, múa, nhạc với phóng sự tài liệu, giao lưu cùng những chứng nhân lịch sử và khách mời.

Không khí và không gian lịch sử hào hùng của 70 năm về trước cũng được tái hiện lại chân thực và sinh động tại chương trình chính luận nghệ thuật "Ký ức Tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên". (Ảnh: LT)

Không khí và không gian lịch sử hào hùng của 70 năm về trước cũng được tái hiện lại chân thực và sinh động tại chương trình chính luận nghệ thuật "Ký ức Tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên". (Ảnh: LT)

Xuyên suốt 3 chương của đêm diễn, không khí và không gian lịch sử hào hùng của 70 năm về trước cũng được tái hiện lại chân thực và sinh động qua nhiều ca khúc ghi lại từng giai đoạn, dấu mốc hình thành, phát triển và những chiến công của lực lượng Công an, những giai điệu về tình yêu Hà Nội, và cả những hoạt cảnh được dàn dựng ấn tượng, công phu.

Câu chuyện "Ký ức tháng Mười Khát vọng vì Thủ đô bình yên" được thuật lại bởi chính cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội ngày hôm nay với tinh thần "Trân trọng quá khứ - Trách nhiệm hiện tại - Hướng về tương lai" đã mang đến cho người xem những giây phút hào hùng và cũng đầy lắng đọng, cảm xúc. Thông qua chương trình khơi dậy lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Công an Thủ đô anh hùng, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô thời kỳ mới.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lang-dong-chuong-trinh-ky-uc-thang-muoi-khat-vong-vi-thu-do-binh-yen-178611.html