Lăng kính văn hóa: Những tiết học 'lạ'

Mặc dù phụ huynh bức xúc, dư luận lên tiếng phê phán và ngành giáo dục chấn chỉnh nhiều năm nay, nhưng tình trạng dạy thêm dưới mác 'tự nguyện' ở nhiều trường tiểu học hiện nay vẫn xuất hiện biến tướng mới đáng lo ngại.

Sự biến tướng đó biểu hiện ở việc nhiều trường đã “lách” quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, nhưng lại công khai để các tiết dạy thêm chèn vào thời khóa biểu chính khóa. Các tiết dạy thêm này được “khoác” những cái tên “kêu như chuông”: Tiếng Anh bổ trợ, Tiếng Pháp bổ sung, Toán tăng cường, Ngữ văn nâng cao, Toán-Anh song ngữ, giờ học mũi nhọn, tiết học hỗ trợ kỹ năng sống,...

Ảnh minh họa/TTXVN

Ảnh minh họa/TTXVN

Không những vậy, một số trường còn có những tiết học “lạ” mà chỉ người trong cuộc mới biết như: “Tiếng Anh T”, “Tiếng Anh K”, “Tiếng Anh LL”... Thực ra, đó là những tiết học tiếng Anh liên kết với các cơ sở bên ngoài. Còn Tiếng Anh chính khóa, chính thức của ngành giáo dục thì được ghi trên thời khóa biểu là “Tiếng Anh BGD”. Chưa dừng lại ở đó, một số trường còn có “sáng kiến” đưa ra hình thức giáo dục mới như: Dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, dịch vụ bồi dưỡng Toán, dịch vụ bồi dưỡng Tiếng Anh, dịch vụ bổ sung kiến thức Ngữ văn, dịch vụ tăng cường hoạt động trải nghiệm...

Nhận định về hiện tượng này, một chuyên gia giáo dục thẳng thắn đặt vấn đề: Trường tiểu học là nơi truyền bá tri thức, giáo dục đạo đức, gieo mầm nhân cách cho trẻ em mà người ta lại coi kiến thức như một thứ dịch vụ để cung cấp, trao đổi, mua-bán thì liệu nơi đây có còn là “thánh đường giáo dục nhân cách học sinh” nữa không?

Có thể nói rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mở ra cơ hội cho học sinh tiểu học được tiếp cận các nội dung giáo dục toàn diện hơn, căn bản hơn, mà các em chỉ cần học đủ tiết, đủ giờ, đủ thời gian trong 2 buổi/ngày là đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra. Nhưng một phần vì mải chạy theo thành tích, muốn biến các cô cậu học trò non nớt trở thành “thần đồng”, phần khác vì muốn có thêm nguồn thu cho nhà trường và giáo viên nên nhiều nơi vẫn thi nhau cho ra đời các tiết học liên kết, tiết học chèn giờ, dịch vụ giáo dục trái quy định.

Theo quy định hiện hành, sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn học phí và được trả một phần phí sinh hoạt trong quá trình đào tạo. Lương giáo viên đang được nghiên cứu để ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp. Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề xuất nhiều chính sách thiết thực nhằm góp phần tôn vinh, đãi ngộ tương xứng với vị thế nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên. Cả xã hội luôn trông mong, chờ đợi ngành giáo dục sẽ tạo ra đột phá mới trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới.

Nói thế để thấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm động viên, chia sẻ, khích lệ đội ngũ nhà giáo ngày càng yên tâm làm việc, tâm huyết gắn bó với nghề dạy học. Vì vậy, để hình ảnh nhà giáo không bị “tổn thương” trong con mắt nhân dân vì những việc làm không đúng mực của họ, đòi hỏi các nhà trường phải kiên quyết, kiên trì phòng, chống triệt để những biến tướng trong hoạt động giáo dục làm vẩn đục văn hóa đạo đức nhà giáo, văn hóa học đường.

ĐÌNH PHÒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-nhung-tiet-hoc-la-799335