Lắng nghe dân thời A.I
Phần mềm 'lắng nghe' giống như dụng cụ nấu bếp, nguồn thông tin ngồn ngộn từ mạng xã hội như đủ loại thực phẩm 'sạch', 'bẩn'; và cái khéo của người đầu bếp là phải chọn lọc, để 'nấu' được những món ăn ngon.
Chiều 27/2, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đã ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội, một công cụ đầy tiềm năng và quan trọng để hiểu rõ cộng đồng mạng và nắm bắt dư luận. Phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và các nền tảng khác. Nhờ được được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm có khả năng phân tích dữ liệu một cách thông minh, hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, ngành, lĩnh vực và vùng. Từ những diễn biến thông tin, phần mềm cũng nhận diện tâm trạng, cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực, trung lập, tiêu cực. Phần mềm có thể giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận công cộng thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội, đặc biệt là các nội dung, diễn biến thông tin của các đối tượng thù địch, chống phá.
Cái tên “Lắng nghe mạng xã hội” rõ ràng đã gây chú ý, nhất là khi đó là một chương trình do chính quyền của đô thị lớn nhất đất nước khởi xướng. Chuyện “lắng nghe dân” từ lâu được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhưng triển khai trên thực tế phần lớn chỉ dừng lại ở việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, hoặc gián tiếp qua các ý kiến, đơn thư. Việc “lắng nghe từ mạng xã hội” như ở TPHCM là một ý tưởng thú vị trong công cuộc chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực ở nước ta, và hứa hẹn sẽ có những hiệu quả tích cực.
Không thể phủ nhận ngày nay các nền tảng mạng xã hội đã trở thành thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, là hoạt động thường xuyên trong đời sống hàng ngày của mỗi người dân. Ước tính có tới trên 72 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Các trang mạng đang chi phối mạnh mẽ đời sống thông tin tại nước ta, với trung bình một người Việt Nam dành 2 tiếng 25 phút mỗi ngày để lướt mạng xã hội. Mọi thông tin, ý kiến, tâm tư của họ dù tích cực, hay tiêu cực về đủ mọi lĩnh vực đều được thể hiện. Và đó chính là nguồn thông tin khổng lồ, mà qua đó các tổ chức, cơ quan chính quyền có thể khai thác làm dữ liệu phân tích, để nắm bắt và thấu hiểu về những diễn biến tâm lý, xu hướng, những vấn đề nảy sinh trong cộng đồng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc lắng nghe dân, học hỏi dân là nguyên tắc nhận thức và hành động tiên quyết của người cán bộ, đảng viên. Bác căn dặn, đã là cán bộ lãnh đạo thì "một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân”. Lắng nghe ý kiến của dân phải trở thành nhu cầu của chính quyền. Muốn phục vụ dân tốt hơn thì phải hiểu dân, muốn hiểu phải nghe, chắt lọc được những phản biện tích cực, những đề xuất tâm huyết, hay những đóng góp, sáng kiến có trách nhiệm. Nhưng trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới của kỹ thuật số và mạng xã hội thì sự lắng nghe ấy cần được vận dụng bằng những “kênh” mới, giải pháp mới.
Thông qua phần mềm "lắng nghe mạng xã hội" như ở TPHCM, các nhà quản lý có thể "thấu hiểu" ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, và dựa trên những phân tích, đánh giá, sẽ có được những phản ứng kịp thời. Đối với các ý kiến đóng góp tích cực, có giá trị, có thể vận dụng vào công tác điều hành, xây dựng chính sách mới, cũng như đo lường dư luận xã hội về các chủ trương chính sách đã ban hành để có thể có những điều chỉnh phù hợp. Và ngược lại, với những thông tin tiêu cực, lợi dụng chống phá, chính quyền cũng sẽ kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý, đối phó. Điểm ưu việt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ số khác có khả năng tìm kiếm sâu, rộng và nhanh chóng, không chỉ từ nguồn văn bản mà còn hình ảnh, âm thanh…, từ đó, có thể nhận diện và “lọc” được những luồng thông tin xấu, độc.
Biết lắng nghe, chắt lọc trúng ý dân là một khởi đầu đúng hướng, nhưng sẽ không có ý nghĩa gì nếu như nó không trở thành tiền đề cho những hành động vì dân, để dân tin tưởng. Có thể ví phần mềm “lắng nghe” như dụng cụ nấu bếp, nguồn thông tin ngồn ngộn từ mạng xã hội như vô vàn loại thực phẩm sạch, ‘bẩn’; và cái khéo của người đầu bếp là phải chọn lọc, để “nấu” được những món ăn ngon, phục vụ “thực khách” là nhân dân.
Tuy nhiên, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập, phân tích đánh giá thông tin từ mạng xã hội sẽ không tránh khỏi những vấn đề nhạy cảm như quyền riêng tư, bảo mật, an ninh mạng… Đó là những vấn đề mà các cơ quan triển khai và sử dụng phần mềm phải làm rõ và có quy chế cụ thể để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Việc ứng dụng phần mềm “lắng nghe mạng xã hội” ở TP.HCM mới đang ở giai đoạn đầu, trong quá trình triển khai, các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ có những học hỏi, điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả hơn. Từ đó, việc nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương trên toàn quốc, với những kinh nghiệm từ TPHCM, chắc chắn sẽ làm sâu sắc hơn nữa, thiết thực hơn nữa chủ trương “lắng nghe dân” của Đảng và Nhà nước ta.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/lang-nghe-dan-thoi-ai-20240302175405554.htm