Lang thang xứ mây
Y Tý, xã biên giới xa nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nằm trên độ cao gần 2.000m so với mực nước biển có kiểu thời tiết đặc trưng mây giăng bốn phía, sương mù gần như quanh năm. Ấy vậy mà, giữa chốn mây mù bảng lảng suốt năm đó lại có những dòng sông mây khổng lồ đẹp đến nao lòng. Đó cũng là lý do chẳng phải vô cớ, khách du lịch cứ trở đi, trở lại nơi này để tận hưởng cuộc sống chầm chậm trôi trong khoảng không gian tĩnh lặng, mơ mộng của những dòng sông mây khổng lồ và cả những nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Những người đi tiên phong
Sức hút của Y Tý đến từ vẻ đẹp nguyên sơ. Vào mỗi khoảng thời gian khác nhau, Y Tý mang trong mình vẻ đẹp khác nhau, nhưng mùa đẹp nhất có lẽ là từ tháng 8 cho tới khi chớm đông, bởi đây là thời điểm dễ dàng bắt gặp những dòng sông mây và cả những thửa ruộng bậc thang chín vàng đẹp như tranh vẽ. Dân phượt thường gọi Y Tý là “thiên đường mây”. Cũng đúng thôi, bởi ngày nắng, Y Tý có cả một biển mây trắng phau nổi bần bật giữa bầu trời xanh thẳm. Ngồi ngắm mây, du khách cứ ngỡ như đang lạc vào cõi tiên.
Tôi đã tới Y Tý nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau trong năm và cho là mình vô cùng may mắn khi được ngắm nhìn sông mây ở Y Tý ngay trong chính giữa mùa đông. Tôi còn nhớ, giữa những ngày mưa phùn sụt sùi, sương mù dày đặc, trưa hôm ấy, trời bỗng hửng nắng. Tôi và anh Chu Che Xá, trưởng thôn Lao Chải 1, xã Y Tý ngồi nói chuyện với nhau về cuộc sống của người Hà Nhì.
Nhìn trời, Xá bảo, kiểu này chắc có mây đấy. Vậy là chúng tôi đi “săn mây”. Chúng tôi đi ra điểm ngắm mây được cho là thuận lợi nhất nằm ở khu vực thôn Mò Phú Chải, cách trung tâm xã Y Tý chừng 2km. Dùng từ “săn mây” quả thật không sai chút nào, bởi bạn vừa tìm được điểm ngắm lý tưởng, giơ máy ảnh lên chộp lại khoảng khắc giữa chín tầng mây ấy thì biển mây tan biến như chưa hề có, chỉ còn lại sương bay. Ngoái cổ sang phía khác lại thấy biển mây tuyệt đẹp, chạy tới nơi, mây tản mác đi đâu hết. Mây tụ rồi lại tan, tan rồi lại tụ, biến ảo vô chừng.
Khi đã có những bức ảnh ưng ý, tôi nhận ra là mình đang đứng ở homestay Y Tý Clouds. Khu nhà nghỉ này do Ly Xá Xuy - một thanh niên trẻ người Hà Nhì làm chủ. Y Tý Clouds là khu nhà trình tường được xây dựng khá đẹp mắt với khu vườn trước mặt trồng rất nhiều loại hoa, cây cảnh và các loại rau đặc trưng của vùng cao Y Tý.
Lý Xá Xuy là một trong những người đi tiên phong khai thác tiềm năng du lịch của mảnh đất quê hương anh. Anh nói rằng, ý tưởng làm homestay bắt nguồn từ những lần khách du lịch lên Y Tý hỏi thuê phòng trọ. Khách du lịch tới Y Tý tăng lên, các nhu cầu ăn ở, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa nảy sinh như một sự kích lệ để anh đi tới quyết định táo bạo bắt tay vào làm du lịch sinh thái - ý tưởng khởi nghiệp còn khá mới mẻ đối với người dân bản địa. “Khách du lịch hay trèo lên nương nhà tôi để ngắm mây, chụp ảnh. Tôi trò chuyện với họ và thấy rằng họ rất muốn lưu lại qua đêm nhưng tìm phòng không dễ. Vì thế, năm 2017, gia đình tôi đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng homestay này”. Bỏ ra khoản tiền 500 triệu đồng là một sự mạo hiểm, nhưng Xuy vẫn quyết tâm, bởi không thử, không dám làm thì sao biết được thành công hay thất bại.
Y Tý Clouds hiện có 1 phòng riêng, 1 phòng tập thể. Anh Xuy phấn khởi cho biết: “Vào mùa săn mây hay mùa lúa chín, khách luôn đặt kín chỗ. Không chỉ có khách ta mà có cả khách Tây. Ngày thường hay lễ, Tết, giá vẫn 80.000 đồng/ người thôi”. Ngoài phục vụ phòng nghỉ, nếu khách có nhu cầu, Xuy có thể phục vụ thêm một số món ăn truyền thống của các dân tộc sinh sống nơi đây.
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, người dân Y Tý đã bắt đầu nghĩ tới việc làm du lịch từ chính vốn tự có của dân tộc mình. Hiện nay, ngoài Y Tý Clouds, nhiều homestay khác đã mọc lên. Trong đó, phải kể đến homestay 2 tầng nằm giữa những nếp nhà đất truyền thống độc đáo của người Hà Nhì đen thôn Lao Chải 1 mà chủ nhân không ai khác chính là trưởng thôn Chu Ché Xá.
Biến văn hóa thành tài sản
Những người trẻ thường có những ý tưởng khác biệt và nắm cơ hội rất nhanh. Anh Xá là một người như vậy. Nơi anh sinh sống là khu vực tập trung đông nhất người Hà Nhì đen của xã Y Tý. Đó cũng là nơi còn nhiều ngôi nhà trình tường nhất với dấu ấn thời gian hiện hữu trên những mái nhà bằng rơm rạ mọc rêu xanh- địa điểm mà bất cứ du khách, nhiếp ảnh gia nào tới Y Tý cũng ghé vào tham quan, chụp ảnh. Homestay của anh Xá nổi bật nhờ có rặng cúc quỳ vàng rực bao quanh và những nhành lan rừng treo kín hiên nhà.
Nói về ngôi nhà mang giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất, anh Xá chia sẻ đầy tự hào: “Tôi tự mình thiết kế, tự mình xây, chi phí hết hơn 100 triệu đồng. Du khách qua đây, ai muốn đều có thể dừng lại, uống trà. Vui thì nghỉ lại, có chăn ấm, nệm êm và những câu chuyện về phong tục của người Hà Nhì đen làm quà”. Để tiện cho du khách, anh Xá xây dựng công trình vệ sinh tự hoại, sạch sẽ. Còn về tâm tình thì không ai có thể chê được ông chủ nhiệt tình, hài hước và hiếu khách này.
Còn nhớ, năm 2017, một trang thông tin điện tử của Mỹ đã bình chọn Y Tý là một trong 10 địa danh được ví như kho báu huyền bí và được bảo tồn tốt nhất châu Á. Sự kiện này mở ra cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch ở Y Tý, nó cũng là động lực để chính những cư dân trẻ như anh Xá, Xuy tự tin khởi nghiệp trên quê hương mình. Nói một cách rộng hơn, người dân Y Tý hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống thông qua phát triển du lịch trên nền tảng khai thác thiên nhiên hoang sơ và những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có.
Trước hết, hãy xem Y Tý đang có những gì. Đó là khu rừng già được gìn giữ khá nguyên vẹn, là bầu không khí trong lành, mát mẻ và cảnh sắc nên thơ với ruộng bậc thang vàng ruộm mùa lúa chín, rừng đỗ quyên, rừng thảo quả chín đỏ rực mùa thu hoạch... Vẻ đẹp cuốn hút của Y Tý còn đến từ những ngôi nhà trình tường truyền thống, từ chợ phiên đầy màu sắc váy áo dân tộc, từ những món ăn đậm đà hương vị vùng cao... Về văn hóa phi vật thể, Y Tý nổi tiếng với tập tục cúng rừng Gạ Ma Do, Tết Ga Tho Tho, lễ cầu mùa Khô Già Già...
Với số vốn không nhỏ đó, Y Tý có lợi thế rất lớn trong việc lựa chọn phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá nên được tính đến đầu tiên trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-thang-xu-may/