Liệt sĩ Phùng Chí Kiên: Vị tướng đầu tiên của cách mạng Việt Nam
Nghiên cứu về lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể bỏ qua một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng đầu tiên của cách mạng Việt Nam, đó là Phùng Chí Kiên (1901 - 1941).
Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những người ưu tú của các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân..., do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Ngày diễn ra sự kiện này được coi là ngày khai sinh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Võ Nguyên Giáp được coi là “Anh Cả của quân đội”.
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, để tính toán việc giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và bè lũ phong kiến, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc xây dựng lực lượng vũ trang từ rất sớm. Người quan niệm, dựa vào sức dân có thể giành được chính quyền, nhưng nếu không có lực lượng vũ trang thì việc giữ được chính quyền còn khó hơn nhiều. Và người được Bác Hồ lựa chọn đầu tiên để xây dựng quân đội là Phùng Chí Kiên.
Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tại Nhà lưu niệm Phùng Chí Kiên ở quê hương ông hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật, tài liệu liên quan đến sự nghiệp của vị tướng văn võ song toàn. Theo những người trong dòng tộc kể lại thì thời trẻ, dẫu gia cảnh không khá giả nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học từ sớm. Năm 1925, Nguyễn Vĩ làm thuê cho một thương nhân người Hoa ở ga Yên Lý (thuộc huyện Diễn Châu) rồi gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
Tháng 10-1926, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) dành cho những hội viên ưu tú của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, trong số đó có Nguyễn Vĩ. Nguyễn Ái Quốc khuyên ông nên đổi tên là Phùng Chí Kiên, với ý nghĩa: Sự tương phùng, hội ngộ, gặp gỡ giữa chí khí và lòng kiên trung. Sau khóa học, Phùng Chí Kiên được Nguyễn Ái Quốc chọn cử vào học Trường Võ bị Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn với mong muốn đào tạo ông thành người tổ chức và đứng đầu lực lượng vũ trang. Lúc này Võ Nguyên Giáp còn là học sinh Trường Quốc học Huế và chưa có cơ hội gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm sau, do Tưởng Giới Thạch thay đổi chính kiến, chủ trương chống cộng, nhà trường bị đóng cửa. Phùng Chí Kiên cùng với các cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại bọn quân phiệt, phản cách mạng.
Tháng 2-1931, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Nhưng khi đến Mãn Châu, ông bị phát xít Nhật bắt giam gần 1 năm. Ra tù, Phùng Chí Kiên tiếp tục sang Liên Xô học. Nguyễn Ái Quốc giao cho ông tập trung nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của Liên Xô để sau này vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.
Đầu năm 1934, Phùng Chí Kiên về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong đứng đầu. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc), tháng 3-1935, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Ủy viên Thường vụ của Đảng. Tháng 8-1936, Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Nhưng một năm sau, do yêu cầu mới của cách mạng, Phùng Chí Kiên lại sang Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở nước ngoài.
Đầu năm 1940, Hồ Chí Minh đến Côn Minh. Phùng Chí Kiên nhiều lần đưa Người đến các nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn... thuộc tỉnh Vân Nam. Tháng 9-1940, sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, Nhật nhảy vào Đông Dương. Cũng trong tháng 9-1940, Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, Phùng Chí Kiên họp Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài bàn việc thành lập Hội Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) rồi cùng với Bác chuyển tới Tĩnh Tây, thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Trung - Việt.
Ngày 28-1-1941, Phùng Chí Kiên theo Hồ Chí Minh về Pác Bó, Cao Bằng. Ông hoạt động bên cạnh Người và góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ. Để có tài liệu giảng dạy cho cán bộ địa phương, Bác Hồ giao Phùng Chí Kiên soạn thảo “Con đường giải phóng dân tộc”, gồm các bài viết về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích. Phùng Chí Kiên tích cực tham gia tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi.
Đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), Phùng Chí Kiên tiếp tục là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được cử phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ đạo căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai và trung đội Việt Nam cứu quốc quân thứ nhất.
Cuối tháng 6-1941, thực dân Pháp mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành. Chúng huy động 4.000 quân đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương tấn công khu căn cứ, đốt phá, triệt hạ các bản làng, dồn dân tập trung vào các trại Đình Cả, Nà Pheo, Làng Giữa, Đồng Án.
Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu anh dũng, phá một số trận càn lớn của địch, góp phần giữ vững tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng, điển hình là trận chống càn ở Giá Huần (Vũ Lễ). Tuy nhiên, do chênh lệch lực lượng, tiếp tế khó khăn nên ban lãnh đạo căn cứ quyết định để lại một tiểu đội chặn địch, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. Ngày 19-8-1941, đơn vị do Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri (Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ) chỉ huy đi qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị địch phục kích nhưng thoát được.
Ba ngày sau, đơn vị lại bị địch phục kích tại làng Khau Pàn (nay thuộc xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn). Bọn châu đoàn phản động huy động lính dõng khép kín vòng vây. Lương Văn Tri bị thương, bị địch bắt, giam ở Cao Bằng và hy sinh trong tù. Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, ông sa vào tay địch. Bọn châu đoàn lệnh cho lũ tay sai mặc sức hành hung. Phùng Chí Kiên bình tĩnh giải thích: “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phóng đồng bào.
Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung”. Nhưng bọn châu đoàn gian ác đã chặt đầu ông đem nộp cho quân Pháp để lấy thưởng. Chúng đem đầu ông cắm ở đầu cầu Ngân Sơn hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương. Hôm đó là ngày 22-8-1941, năm Phùng Chí Kiên tròn 40 tuổi.
Phùng Chí Kiên - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người lính cách mạng đầu tiên ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của ông là một tổn thất lớn cho cách mạng lúc bấy giờ. Ngày 23-7-1947, đánh giá công lao của Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp Tướng cho ông. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.