Lo ngại bệnh viêm não sau cúm
Cùng với cúm A, hiện tại một số cơ sở y tế ghi nhận sự gia tăng các bệnh viêm não, viêm màng não. Chuyên gia y tế cảnh báo, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong, di chứng cao ở trẻ, chiếm tỷ lệ từ 25% đến 35% để lại nhiều di chứng nặng nề.
Cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm
Mới đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4-B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều ca với chẩn đoán viêm màng não virus, viêm màng não do HSV... Trong số đó có một trường hợp đặc biệt là bệnh nhân nam V.V.H. 26 tuổi, mắc bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus, bệnh này tỷ lệ tử vong rất cao, nhiều biến chứng, di chứng.
Bệnh nhân H. 26 tuổi đến khám trong tình trạng sốt 38 độ, không có cơn rét run, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau cột sống lưng, buồn nôn, không nôn, ý thức bệnh nhân chậm chạp, có hội chứng màng não (+). Bệnh khởi phát khoảng 3 ngày nay, ở nhà bệnh nhân đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm. Ngay lập tức, bác sĩ chọc dịch não tủy cho kết quả màu sắc đục nhẹ, TB 60 hạt, Lympho 98%, WBC 17.48G/L, cấy dịch não tủy ra con vi nấm Cryptococcus. Đây là một chẩn đoán mang nhiều nỗi lo lắng đến cho bác sĩ và người bệnh vì bệnh này tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 90%.
Trong quá trình điều trị tại khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Khoa A4B, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị cho bệnh nhân bằng các phương pháp truyền dịch, kháng sinh chống bội nhiễm, thuốc chống nấm, chống phù não, bổ gan, thuốc giảm đau, nuôi dưỡng…. Với sự chăm sóc tận tình tích cực của các bác sĩ, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, được ra viện.
Tương tự, những tuần gần đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một số ca viêm não, viêm màng não. Mới nhất là nam bệnh nhân 15 tuổi ở Hà Nội bị viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng lơ mơ, mất định hướng, trả lời lẫn lộn. Trước khi vào viện, bệnh nhân đau đầu, bứt rứt, khó chịu, nôn, rối loạn ý thức, loạng choạng. Khai thác tiền sử, bố mẹ bệnh nhi không nhớ con đã tiêm vaccine hay chưa, sổ tiêm chủng không còn lưu. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo, ổn định, đi lại bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, virus gây bệnh truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Do mùa này muỗi truyền bệnh phát triển, chim di cư về ăn quả chín... là những yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đối tượng hay gặp là trẻ em và kể cả người lớn, nếu chưa được tiêm phòng và chưa từng nhiễm virus.
Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã điều trị cho 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau, trong đó có 5 trường hợp đã khẳng định và 1 ca nghi ngờ mắc viêm não Nhật Bản.
Các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viêm não và viêm màng não đang vào mùa cao điểm. Ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện điều trị, có ngày 4 hoặc 5 trường hợp. Đáng chú ý nhiều trẻ bị gia đình bỏ lỡ mũi vaccine phòng bệnh khiến bệnh tình trở nặng.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm màng não ở trẻ em là bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương thường gặp ở trẻ em. Đây là căn bệnh nguy hiểm, bệnh thường diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong, hoặc để lại di chứng lâu dài nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản là bé gái 5 tháng tuổi ở phường Dương Nội, quận Hà Đông. Sau khi được điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe của bé đã ổn định.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc viêm não Nhật Bản. Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Ở Việt Nam, loài muỗi này sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 7, 8, 9 trong năm, vì vậy, bệnh viêm não Nhật Bản cũng gia tăng trong các tháng này là nhiều nhất.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 110 trường hợp bị viêm não virus (3 người tử vong); 8 ca viêm màng não do não mô cầu. Viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên. Một số chủng virus gây bệnh viêm não như: Nhóm Arbovirus lây truyền qua các loại côn trùng trung gian như muỗi, bọ chét, ve. Trong nhóm này, nổi bật nhất là virus gây viêm não Nhật Bản.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (chiếm tỷ lệ từ 25 đến 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhiều trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đủ số mũi. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh rằng, con chỉ cần tiêm phòng 3 mũi vaccine đến khi 2 tuổi là đủ theo bác sĩ đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh.
Theo các chuyên gia về bệnh lý truyền nhiễm, tháng 5-8 hằng năm là giai đoạn thường ghi nhận sự gia tăng các bệnh lý viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào các tháng hè, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vaccine.
Không những gây tỷ lệ tử vong cao, viêm não Nhật Bản còn để lại những di chứng nặng nề đối với người bệnh. Do đó, người dân cần cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có như vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine phế cầu, vaccine 6 trong 1… Cụ thể, vaccine viêm não Nhật Bản, tiêm mũi 1 tiêm khi trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 tiêm sau 1 năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm/lần cho đến khi được 15 tuổi.
Thực tế, không ít trẻ vì nhiều nguyên nhân có thể do bố mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lý viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám. Đơn cử, khi trẻ bị sốt, phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Hoặc nếu trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho, liền cho trẻ uống men tiêu hóa hay thuốc ho. Tuy nhiên, đây có thể là các dấu hiệu của viêm não.
Việc các bà mẹ không nhận ra, đợi đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện khiến việc điều trị khó khăn và có thể để lại di chứng. Di chứng nặng nề nhất của trẻ khi mắc viêm não là ảnh hưởng đến vận động và thần kinh, hoặc hô hấp.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lo-ngai-benh-viem-nao-sau-cum.html