Lo ngại hệ lụy từ tình trạng cán bộ coi nhẹ việc chống lãng phí
Theo đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội
Sáng nay (4/11), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đoàn Nam Định) cho biết, vừa qua Nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, giúp người dân chịu thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
"Chúng ta đánh giá cao việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động, tiếp nhận trên 2.000 tỉ đồng và đã công bố sao kê để công khai, minh bạch giúp người dân cùng giám sát", đại biểu nói.
Theo đại biểu Hoa, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân, đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
Theo đại biểu, đây là thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội.
Bài viết đã đánh giá lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Theo đại biểu Hoa, tình trạng này có 4 nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hai là, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, của Nhà nước không hiệu quả. Nhưng thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.
"Lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp. Bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước", đại biểu nhấn mạnh.
Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ
Ba là, theo đại biểu Hoa, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án gần địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực. Sự năng động nhưng do cách làm nóng vội, tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình thủ tục nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vừa qua một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã điểm mặt, chỉ tên là những dẫn chứng cụ thể nhất.
Thứ tư, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao, chủ yếu mang tính cảnh báo, nhắc nhở.
Từ đó đại biểu nhấn mạnh nếu chống lãng phí thành công như chống tham nhũng như thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, ngay trong kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Điều này thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay ví dụ như: Các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ.
Qua đó, có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước.
Như bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu "để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới".