Lợi ích của cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu thị trường
Để thành công, các nhà xuất khẩu phải đánh giá thị trường thông qua các nghiên cứu thị trường. Các nhà xuất khẩu tham gia nghiên cứu thị trường nhằm tìm hiểu các cơ hội tiếp thị và những khó khăn ở từng thị trường nước ngoài, cũng như để nhận biết người mua và khách hàng tiềm năng. Và các cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ có thể đóng vai trò lớn trong hoạt động này.
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường gồm tất cả các biện pháp được một công ty sử dụng để xác định xem thị trường nước ngoài có tiềm năng đối với sản phẩm của mình hay không. Kết quả của các nghiên cứu này cho công ty biết về thị trường lớn nhất của sản phẩm, thị trường phát triển nhanh nhất, xu hướng thị trường và triển vọng, điều kiện tiếp cận và thực tiễn của thị trường, công ty và sản phẩm cạnh tranh.
Kết quả của việc nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nghiên cứu thị trường bởi những lý do sau đây.
Thứ nhất, nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường và khách hàng mục tiêu. Việc nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp định vị thị trường và nguồn khách hàng rõ ràng hơn, từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra được các biện pháp và xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường thích hợp. Khi doanh nghiệp càng hiểu rõ về thị trường và khách hàng thì càng có nhiều cơ hội để khách hàng lựa chọn và tin tưởng sử dụng sản phẩm.
Thứ hai, nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi đưa ra quyết định. Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp các các doanh nghiệp tránh được những vấn đề khó khăn và rủi ro gặp phải trong quá trình kinh doanh. Qua đó có những kế hoạch hợp lý để thực hiện các công việc được dễ dàng và suôn sẻ hơn.
Sở hữu trí tuệ có những ích lợi gì trong quá trình nghiên cứu thị trường?
Cơ sở dữ liệu sáng chế và nhãn hiệu có thể là một công cụ hữu hiệu trong quá trình nghiên cứu thị trường. Cơ sở dữ liệu sáng chế có thể cho doanh nghiệp biết liệu một công nghệ nhất định đã được công ty khác bảo hộ tại thị trường nhất định hay chưa, từ đó quyết định xem doanh nghiệp có cần li-xăng sử dụng công nghệ tại thị trường đó không.
Ngoài ra, những cơ sở dữ liệu này giúp doanh nghiệp nhận biết rằng các công nghệ mới nhất do đối thủ cạnh tranh phát triển đã được bảo hộ tại thị trường chưa; ai là đối tác tiềm năng đã phát triển công nghệ bổ sung mà có thể hữu ích cho sản phẩm và/hoặc dịch vụ của bạn; cũng như thông tin khác để đánh giá môi trường cạnh tranh tại một thị trường nhất định và cơ hội thành công của doanh nghiệp.
Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu cũng cần được tham khảo để kiểm tra xem liệu nhãn hiệu doanh nghiệp dự định sử dụng có xung đột với nhãn hiệu được bảo hộ tại thị trường đó không. Khi phát hiện ra có xung đột thì điều này có thể sẽ tác động đến quyết định thâm nhập một thị trường, thay đổi chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp và/hoặc buộc doanh nghiệp phải sử dụng nhãn hiệu khác tại thị trường đó.
Ví dụ, khi một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng có ý định xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp đó có thể sử dụng cơ sở dữ liệu sáng chế và nhãn hiệu của Mỹ để tìm hiểu được ở đất nước này có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, quy mô như thế nào để có thể xác định được rằng doanh nghiệp đó có nên tham gia vào thị trường Mỹ hay không.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng biết được những doanh nghiệp đối thủ ở Mỹ sử dụng nhãn hiệu cho các sản phẩm như thế nào, từ đó doanh nghiệp có thể tránh được việc sử dụng trùng nhãn hiệu trong cùng lĩnh vực sản xuất với doanh nghiệp có sẵn trên thị trường xuất khẩu. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn dễ dàng xác định được những đối tác tiềm năng dựa trên cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ, từ đó có thể lập kế hoạch kinh doanh, hợp tác một cách rõ ràng và cụ thể hơn.