Luật Đất đai mới sẽ giúp xã hội hóa giáo dục ở Bình Dương 'nở hoa'
Với sự phát triển mạnh về công nghiệp, Bình Dương trở thành điểm đến của đông đảo người lao động, kéo theo nhu cầu lớn về giáo dục. Điều này đặt ra áp lực lớn lên hệ thống giáo dục công lập của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng, tỉnh đã chủ động thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục.
Được "trợ lực", doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư
Trường Trung cấp Nghề nghiệp vụ Bình Dương (phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một), chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008. Mỗi năm, trường đào tạo khoảng 10.000 học viên theo học các ngành nghề đa dạng như lái xe nâng hàng, sửa chữa ô tô, điện công nghiệp...
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường, nhà trường liên tục cập nhật các chương trình đào tạo mới và đầu tư trang thiết bị hiện đại vào quá trình giảng dạy. Nhờ đó, Trường Trung cấp Nghề nghiệp vụ Bình Dương đã trở thành một trong những địa chỉ đào tạo uy tín, được đông đảo học viên tin tưởng lựa chọn.
Ông Lê Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT nhà trường chia sẻ, từ khi chọn Bình Dương làm địa điểm đầu tư, trường luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình từ tỉnh. Nhờ các chính sách ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính, trường đã nhanh chóng xây dựng và phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, trường luôn chú trọng đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên ra trường có thể hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc.
"Trường Trung cấp nghề Bình Dương sẽ chuẩn hóa lại đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp thời kỳ đổi mới. Đồng thời, chúng tôi sẽ mở rộng các ngành nghề đào tạo tiềm năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường”, ông Thức nói thêm.
Nhờ chính sách ưu đãi đầu tư vào giáo dục, Bình Dương thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Điển hình là ông Ngô Tân Khánh Vĩnh, chủ đầu tư Trung tâm ngoại ngữ H123 và Trường Mầm non sáng tạo Faraday. Từ ý định ban đầu chỉ mở 1-2 cơ sở ngoại ngữ, ông Vĩnh và các cổ đông khác đã quyết định mở rộng quy mô kinh doanh lên đến 9 trung tâm tại Bình Dương. Tiếp đó, doanh nghiệp còn đầu tư xây dựng Trường Mầm non sáng tạo Faraday ở TP.Thủ Dầu Một với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh.
Ông Vĩnh chia sẻ, với môi trường đầu tư thuận lợi và sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền địa phương, công ty đã quyết định mở rộng quy mô hoạt động tại Bình Dương. Việc đầu tư vào giáo dục không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho cộng đồng. Hiện tại, công ty đang có kế hoạch mở thêm trường mầm non tại thành phố Tân Uyên. Tuy nhiên, điều ông lo ngại là thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
"Hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai trong lĩnh vực giáo dục đã có sự cởi mở cho các nhà đầu tư. Trước đây, muốn đầu tư trường học thì bắt buộc phải đất giáo dục, hiện nay các loại hình đất khác, trong đó có đất ở cũng có thể xây dựng trường. Rất mong sở, ban ngành nhanh chóng có hướng dẫn để nhà đầu tư có thể triển khai”.
Còn theo chủ đầu tư các trường khác, mặc dù rất muốn "đầu quân" tại Bình Dương nhưng khó nhất hiện nay vẫn là quỹ đất. Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Bố trí quỹ đất và đơn giản hóa thủ tục
Để giải quyết vấn đề thiếu quỹ đất cho đầu tư giáo dục, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có những nỗ lực đáng kể. Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch và phân bổ quỹ đất ưu tiên cho các lĩnh vực xã hội, trong đó có giáo dục. Các địa phương cấp huyện cũng đã chủ động quy hoạch quỹ đất sạch, công bố công khai danh mục dự án ưu tiên để thu hút đầu tư.
Thành phố Thuận An với đặc thù là địa phương có đông đảo người lao động, đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư giáo dục. Hiện nay, thành phố có 98 trường mẫu giáo, mầm non ngoài công lập. Thành phố cũng chuẩn bị sẵn 10 ha đất tại các vị trí thuận lợi, hạ tầng hoàn thiện để xây dựng các cơ sở giáo dục. Việc cung cấp quỹ đất này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP. Thuận An cho biết, việc mở rộng quỹ đất dành cho đầu tư giáo dục là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn.
"Nếu cơ chế thông thoáng hơn sẽ càng tốt hơn, với tinh thần Luật đất đai đã được sửa đổi, bổ sung thì kỳ vọng công tác xã hội hóa về giáo dục của thành phố sẽ "nở hoa" hơn và góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển đô thị thành phố trong tương lai", ông Tâm nói.
Bên cạnh việc cung cấp quỹ đất, tỉnh Bình Dương còn có nhiều chính sách ưu đãi khác để thu hút đầu tư vào giáo dục, như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, cho thuê đất. Nhờ đó phần nào giảm được áp lực về cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt trong bối cảnh dân số tăng nhanh. Các nhà đầu tư đã được tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các cơ sở giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng là một vấn đề quan trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng giáo dục.
Bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Ngành giáo dục đào tạo phối hợp với UBND các địa phương để kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo của các đơn vị trường. Chúng tôi cũng thành lập các đoàn kiểm tra theo định kỳ hàng năm để kiểm tra, thanh tra các đơn vị trường ngoài công lập. Từ đó chấn chỉnh, nhắc nhở, thậm chí đình chỉ những cơ sở vi phạm, thực hiện không đúng cam kết và tôn chỉ trong việc kinh doanh giáo dục, đào tạo”.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 732 trường học các cấp, từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, khu vực ngoài công lập chiếm tỷ trọng lớn với 336 trường, chiếm gần 46% tổng số trường. Riêng đối với giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ trường ngoài công lập còn cao hơn, đạt 77%. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 3 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số vốn đầu tư lên đến 2.270 tỷ đồng.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục, chất lượng đào tạo của tỉnh cũng được nâng cao đáng kể. Thành tích của học sinh Bình Dương trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia luôn nằm trong top đầu cả nước.