Luật sư La Văn Thái: 'Cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hành vi chụp ảnh phản cảm nơi công cộng, không để thành tiền lệ xấu'
Liên quan đến những bộ ảnh phản cảm chụp tại một số địa điểm công cộng, danh lam thắng cảnh gây 'nhức nhối', PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với luật sư La Văn Thái (đoàn Luật sư TP.HN) về vấn đề này.
Mới đây, bộ ảnh cưới "chăn gối giữa đường" của một đôi bạn trẻ chụp ở một số địa điểm công cộng như: Phố đi bộ Hồ Gươm, cầu Long Biên,... đang gây tranh cãi. Quan điểm của anh thế nào về hành vi này?
Rõ ràng, trường hợp này đã vi phạm luật Giao thông đường bộ. Dù người trong cuộc có đưa ra lý do gì, cũng chỉ là ngụy biện. Luật pháp nào cho phép vác “chăn ga gối đệm” nằm chình ình ra giữa đường đông đúc xe cộ qua lại để chụp ảnh. Hơn nữa, việc làm này “khác người” này ít nhiều gây tò mò, tụ tập đông người, gây cản trở giao thông. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xem xét, có hướng xử lý nghiêm khắc để làm gương.
Thật lố lăng, phản cảm khi “bưng hẳn cả phòng ngủ” ra phố đi bộ Hồ Gươm, cầu Long Biên,... những địa điểm được coi là biểu tượng văn hóa của Hà Nội để chụp ảnh. Hành vi này đã vi phạm Quy tắc ứng xử nơi công cộng mà Hà Nội đã ban hành, trong đó nêu rõ: Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội...
Đã có nhiều bộ ảnh tạo dáng phản cảm ở nơi công cộng, địa điểm văn hóa du lịch bị xã hội lên án gay gắt. Bị “sờ gáy”, người trong cuộc lại bao biện đó là “sự sáng tạo” hoặc “tôi muốn làm điều mình thích”. Anh nghĩ thế nào về lời giải thích này?
Tôi thấy, nhận thức về văn hóa-xã hội của các ê-kíp chụp những bộ ảnh phản cảm này đang... có vấn đề. Họ cố tình mang những ý tưởng độc-dị-lạ đến nơi đông người để chụp ảnh, gây chú ý. Không thể coi hành vi này là sự sáng tạo hay mới mẻ, mà đó là suy nghĩ sai lệch, nông cạn, kệch cỡm.
Chưa kể, một bộ phận giới trẻ hiện nay vin vào thời đại 4.0 nên “Tôi thích thì tôi làm”; “Tôi muốn phá cách, làm mới hình ảnh”,... Đáng nói là không ít người còn hùa theo bao biện cho những hành vi phản cảm. Điều này cho thấy nhận thức của họ đang bị sai lệch.
Chúng ta đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, có nền văn hóa, phong tục tập quán riêng. Người nước ngoài khi đến với Việt Nam, họ cũng phải tôn trọng, hòa nhập theo văn hóa, phong tục của đất nước mình. Trong khi, mình là người Việt, tại sao lại có lúc tự “bôi bẩn” hình ảnh của mình?
Dù bị lên án, chỉ trích rất nhiều, nhưng những bộ ảnh dung tục, phản cảm này vẫn “sống khỏe”. Vậy, theo anh đâu là lý do của thực trạng này?
Rõ ràng, những hành vi dung tục, phản cảm này gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, không thể chấp nhận và cần phải lên án, xử lý mạnh mẽ để giữ được chuẩn mực văn hóa của dân tộc. Nhưng, tới thời điểm này mới chỉ có Hà Nội và một số địa phương ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, và việc xử lý mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở, phê bình..., còn chưa có chế tài xử phạt cụ thể.
Tôi nghĩ cần có những quy định cụ thể hơn về hành vi nào được phép và không được phép; Chế tài xử phạt cần mang tính răn đe, nghiêm khắc. Tránh dừng lại ở việc chỉ xử lý manh mún một vài vụ việc rồi bỏ bẵng.
Nếu việc quản lý buông lỏng, thiếu nghiêm khắc, đánh trống bỏ dùi sẽ rất nguy hiểm cộng đồng xã hội. Thậm chí, có thể “phá nát” những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bởi, chỉ một hành vi phản cảm nhỏ thôi, nhưng không xử lý triệt để, mầm mống này sẽ lan rộng, tạo nên tiền lệ xấu rất khó kiểm soát. Vậy nên, bên cạnh việc tuyên truyền, lên án, thì cần phải có chế tài xử lý triệt để mới thật sự gìn giữ được nền văn hóa đậm đà bản sắc của chúng ta, không bị những thứ lai căng, lố bịch làm cho hoen ố.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!