Luôn lấy người dân làm trung tâm trong phát triển đất nước

Vừa qua, trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV đối với Việt Nam. Tại phiên họp này, đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế đã hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Tuy nhiên, các đối tượng thiếu thiện chí với Việt Nam lại ra sức vu cáo, xuyên tạc cho rằng, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, từ đó, kêu gọi cần phải can thiệp để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam. Trong ảnh: Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã phát động phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025" nhằm đảm bảo cho mọi người dân có nhà ở kiên cố. Ảnh: Bích Nguyên

Chính phủ Việt Nam luôn đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam. Trong ảnh: Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã phát động phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025" nhằm đảm bảo cho mọi người dân có nhà ở kiên cố. Ảnh: Bích Nguyên

Vừa qua, Việt Nam đã phải đối mặt với cơn bão số 3 - siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm trên đất liền Việt Nam. Từ trước đó, những khu vực có nguy mất an toàn cao đã được chính quyền các địa phương lên phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn, bảo đảm mọi người đều có nơi trú tránh, lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế thiết yếu. Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang vào cuộc hỗ trợ người dân di chuyển, cung cấp nhu yếu phẩm và đảm bảo an ninh trật tự. Hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh vượt qua những vùng lũ nguy hiểm để tiếp cận người dân, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Điều đáng ghi nhận hơn, sau khi bão tan, nỗ lực tái sinh cuộc sống cho người dân đã được thực hiện một cách nhanh chóng. Hệ thống điện, đường sá, cơ sở hạ tầng được cấp tốc sửa chữa. Các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ tài chính và xây dựng nhà ở tái định cư được triển khai giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đây không chỉ là giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, mà còn thể hiện bản chất nhân văn của dân tộc Việt Nam, luôn nỗ lực bảo đảm quyền sống an toàn, quyền có một cuộc sống bình thường và ổn định cho người dân.

Qua những hành động này, Việt Nam không chỉ khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thực thi các nguyên tắc về quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế, mà còn tạo ra những giá trị nhân văn sâu sắc, gắn kết giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với người dân. Điều đó cũng cho thấy, quyền con người không chỉ là khái niệm trên giấy tờ, trong các văn bản, điều luật mà là những hành động thiết thực bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Phát biểu tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hồng Việt đã khẳng định: "Dù chịu tác động nặng nề của bão Yagi, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được dự báo tích cực và ổn định. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh là tiền đề vững chắc để bảo đảm quyền cho tất cả người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến tích cực".

Cán bộ BĐBP Lào Cai đưa người già tới nơi an toàn khi mưa lũ tràn về thành phố Lào Cai do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Trung Dũng

Cán bộ BĐBP Lào Cai đưa người già tới nơi an toàn khi mưa lũ tràn về thành phố Lào Cai do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Trung Dũng

Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tham dự khóa họp đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình rà soát định kỳ phổ quát. Đánh giá cao Việt Nam chấp thuận các khuyến nghị và xây dựng kế hoạch triển khai bài bản. Đồng thời, hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam được thể hiện toàn diện mọi mặt từ hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền các nhóm dễ bị tổn thương.

Thế nhưng, bất chấp thực tế, bất chấp những nỗ lực của Việt Nam, các đối tượng thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn đưa ra những cáo buộc, xuyên tạc, vu khống, phản ánh không đúng tình hình thực tế việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đây là những quan điểm lệch lạc, mang màu sắc và động cơ chính trị, nhằm hạ thấp vị thế và uy tín của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, thực tế như một minh chứng sinh động đập tan những xuyên tạc, vu khống của các thế lực phản động.

Hình ảnh những người dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) lưu luyến, bịn rịn chia tay bộ đội, có cả những giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào khi phải chia xa bộ đội đã cho thấy tình đoàn kết quân dân gắn bó. Và đó cũng là những ghi nhận sâu thẳm tự đáy lòng của mỗi người dân Việt Nam với quân đội, với đất nước, luôn sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy để đến với đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn. Đó cũng là hình ảnh minh chứng khẳng định quan điểm, chủ trương và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển đất nước.

Việt Nam cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn, hợp tác, xây dựng với tất cả các nước, kể cả những quan điểm còn khác biệt. Qua đó, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người. Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những góp ý, khuyến nghị trên tinh thần nhân văn, xây dựng để hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền con người cho người dân Việt Nam và cho người dân trên thế giới. Do vậy, những cáo buộc không có căn cứ, những vu khống, xuyên tạc với động cơ chống phá đất nước, Việt Nam không coi đó là giá trị pháp lý ràng buộc. Như đã nói ở trên, nếu có thiện chí, Việt Nam sẵn sàng cởi mở, đối thoại để tăng cường hiểu biết và chia sẻ. Nhưng các thế lực chống phá Việt Nam thì không khi nào dám đối diện với thực tế, chúng chỉ núp sau bàn phím để rồi phán xét, quy kết, xuyên tạc, chống phá Việt Nam. Và đối với nhân dân Việt Nam, những lý lẽ của họ đều không có giá trị.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luon-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-trong-phat-trien-dat-nuoc-post482412.html