Lý do bất ngờ buộc Thụy Sĩ và Italia phải thay đổi đường biên giới

Một phần biên giới giữa Ý và Thụy Sĩ sẽ buộc phải được điều chỉnh lại do sự tan chảy của các sông băng làm cột mốc đánh dấu ranh giới.

Điều này cho thấy những biểu hiện ngày càng rõ rệt của hiện tượng nóng lên toàn cầu, phần lớn đến từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người.

Hai quốc gia đã đồng ý điều chỉnh đường biên giới ở khu vực dưới đỉnh Matterhorn, một trong những ngọn núi cao nhất của dãy Alps. Từ địa điểm này, du khách có thể chiêm ngưỡng hoàn toàn phong cảnh tuyệt đẹp của Zermatt, một điểm đến nổi tiếng cho người đam mê trượt tuyết.

Mặc dù biên giới quốc gia thường được xem là không thể thay đổi, động thái này lại xảy ra khi một phần lớn của đường biên giới Thụy Sĩ-Ý được xác định dựa trên các sông băng và núi tuyết.

Băng tan chảy do biến đổi khí hậu khiến cho địa hình thuộc khu vực biên giới một số quốc gia châu Âu thay đổi. Ảnh: Euractiv

Băng tan chảy do biến đổi khí hậu khiến cho địa hình thuộc khu vực biên giới một số quốc gia châu Âu thay đổi. Ảnh: Euractiv

"Việc các sông băng này tan chảy dẫn đến việc các quốc gia phải xác định lại biên giới" - chính phủ Thụy Sĩ cho biết trong một thông báo vào thứ Sáu (ngày 27/9).

Việc thay đổi biên giới đã được hai nước nhất trí vào năm 2023 và chính phủ Thụy Sĩ đã chính thức phê duyệt điều chỉnh vào ngày 27/9 vừa qua. Hiện tại, quá trình ký kết đang được thực hiện tại Ý. Khi cả hai bên hoàn tất ký kết, thỏa thuận sẽ được công bố, và thông tin chi tiết về đường biên giới mới sẽ được công khai - theo chính phủ Thụy Sĩ.

Châu Âu đang là lục địa đứng đầu thế giới về tốc độ ấm lên và biểu hiện rõ ràng ở tốc độ tan chảy của các sông băng.

Tại Thụy Sĩ, các sông băng đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Năm ngoái, quốc gia này đã mất 4% thể tích sông băng, chỉ sau mức kỷ lục 6% của năm 2022.

Matthias Huss, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học ETH Zurich của Thụy Sĩ và giám đốc của GLAMOS, mạng lưới giám sát sông băng của quốc gia này, cho biết tình trạng tan chảy này không có dấu hiệu chậm lại.

“Năm 2024, các sông băng vẫn tiếp tục mất đi lượng băng lớn, mặc dù lượng tuyết dày vào mùa đông được kỳ vọng sẽ bù đắp cho tình trạng đáng báo động này” - ông chia sẻ với CNN. “Một số sông băng đang tan rã, và những sông băng nhỏ đang biến mất hoàn toàn.”

Ngay cả khi có các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu tham vọng nhất, một nửa số sông băng trên thế giới có thể biến mất vào năm 2100, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Việc các sông băng tan chảy làm cho địa hình trở nên bất ổn, dễ gây ra các vụ lở đất và sụp đổ nguy hiểm. Năm 2022, 11 người đã thiệt mạng khi một sông băng sụp đổ ở dãy Alps của Ý.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã khám phá được nhưng điều khủng khiếp đi sông băng thu hẹp. Năm ngoái, hài cốt của một nhà leo núi mất tích 37 năm trước trong khi leo gần Matterhorn đã được phát hiện.

Sông băng tan chảy cũng đồng nghĩa với việc thế giới mất đi nguồn cung cấp nước ngọt lớn, dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng trong bối cảnh các đợt nắng nóng ngày càng gia tăng.

Huss cho biết sự dịch chuyển biên giới quốc gia chỉ là một trong những tác động của quá trình sông băng tan chảy. Ông nhấn mạnh tình trạng này cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu đang nghiêm trọng đến mức nào.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ly-do-bat-ngo-buoc-thuy-si-va-italia-phai-thay-doi-duong-bien-gioi.html