Lý do cá ngừ Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới?
Không chỉ gặp khó do mức thuế suất cao khi xuất khẩu sang thị trường EU, cá ngừ Việt Nam còn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy, tháng 9/2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 728 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại trong những tháng cuối năm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 trong tổng xuất khẩu cá ngừ, chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Mỹ, Israel và EU là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam.
Theo các thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang nước đối tác muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải có xuất xứ thuần túy, tức là được nguyên liệu phải do tàu của quốc gia thành viên FTA đánh bắt, sản xuất tại Việt Nam.
Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp hay loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16 khi xuất khẩu sang EU sẽ bị áp thuế 24%, một mức thuế rất cao. Do đó, với mức thuế này thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan như Philippines hay Ecuador, hay các sản phẩm loin cá ngừ giá rẻ của Trung Quốc (miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ))…
Không những vậy, Nghị định số 37 năm 2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/9) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định về kích cỡ cá ngừ vằn được khai thác tối thiểu là 500mm (50cm).
Theo quy định này, nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ được khai thác thì không được cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác để phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp hiện không thu mua cá ngừ vằn loại nhỏ như trước nữa nên việc tiêu thụ cá ngừ vằn chậm, kéo theo giá cá giảm.
Ở nhiều địa phương, giá cá ngừ vằn đã tụt xuống còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều tàu cá mặc dù mỗi chuyến biển đạt sản lượng nhưng do chi phí lên đến 200 - 300 triệu đồng, việc giá cá giảm khiến lợi nhuận các chủ tàu thu về gần như không còn.
Trong khi đó, chi phí cho mỗi chuyến biển, công lao động tăng cao khiến các chủ tàu gặp nhiều khó khăn. Do đánh bắt không có lãi nên chuyến biển vừa qua, nhiều ngư dân đã cho tàu lưới cản nằm bờ. Mà việc không thể vươn khơi đang khiến cho các ngừ dân lâm vào tình cảnh mất thu nhập, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng đáng kể.
Hiện giá cước vận tải biển thế giới đã giảm trên tất cả các tuyến, mạnh nhất là trên tuyến châu Á đi Bờ Tây nước Mỹ, tuyến châu Âu. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đón cơ hội tăng trưởng vào cuối năm.
Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước và tác động từ cuộc xung đột giữa Israel - Iran dự kiến sẽ kìm hãm đà tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ trong quý cuối năm. Bên cạnh đó, nếu tình trạng vấn đề nguyên liệu nếu kéo dài, ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu.