Lý giải sự sụp đổ tàn khốc của đế chế La Mã
Không chỉ tái hiện một đế chế hùng mạnh, một nền văn minh vĩ đại, 'Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã' còn nêu nguyên nhân, các sự kiện và lý giải sự sụp đổ của đế chế này.
Được mệnh danh là “Đế chế không có điểm kết thúc”, Đế chế La Mã sở hữu quy mô lên đến hàng vạn dặm trải dài từ Á sang Âu, với vô số thành tựu ưu việt về cả văn hóa, công nghệ hay quân sự đương thời. Nhưng đế chế này đã đi tới kết cục không thể tránh khỏi mặc cho những gì đã đạt được.
Một giai đoạn trải dài 13 thế kỷ
Trong tác phẩm đồ sộ Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã (gồm 6 tập, được xuất bản trong khoảng thời gian 12 năm từ 1776 đến 1788), sử gia người Anh Edward Gibbon (1737-1794) không chỉ tái hiện lại một đế chế hùng mạnh, một nền văn minh vĩ đại, mà còn chỉ ra nguyên nhân, trong đó có các sự kiện và những câu chuyện dẫn đến sự sụp đổ tàn khốc của đế chế này.
Bộ sách bao quát một giai đoạn trải dài 13 thế kỷ, bắt đầu từ thời đại của Trajan và vương triều Antonine (năm 98-198) cho tới sự sụp đổ sau cùng của Constantinopolis (Istanbul ngày nay) vào năm 1453, với một phạm vi rộng khắp từ Địa Trung Hải qua Bắc Phi và Tây Á. Trong giai đoạn này có rất nhiều sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt phản ánh thời kỳ ổn định và thịnh vượng chưa từng thấy, cho đến những bất ổn và suy tàn ngày càng tăng, dẫn đến sụp đổ hoàn toàn của đế chế này.
Trong thời đại của Trajan và vương triều Antonine (năm 98-198), nền quân chủ La Mã đã đạt tới mức hoàn bị, nhưng cũng bắt đầu mon men đến buổi suy tàn. Từ năm 284 đến 324, Đế chế La Mã chia thành Đông La Mã và Tây La Mã. Sau thời kỳ thống nhất (324-364), La Mã tiếp tục chia thành hai phần Đông và Tây (364-476).
Năm 476, Tây La Mã đã sụp đổ và nó đã bị hoàng đế Zeno bãi bỏ chính thức vào năm 480. Sau khi Tây La Mã sụp đổ thì Đông La Mã đóng vai trò như là một cường quốc bậc nhất ở Trung Đông và châu Âu. Constantinopolis trở thành thủ phủ của đế chế này.
Năm 1204, cuộc Thập tự chinh thứ tư diễn ra và Đế quốc Latin được thành lập bởi các nhà lãnh đạo của cuộc thập chinh này trên lãnh thổ giành được từ Đông La Mã.
Năm 1261, Đông La Mã được phục hồi sau cuộc tái chiếm Constantinopolis được quân lính của Đế quốc Nicaea, nhà nước kế thừa mạnh mẽ nhất của Đông La Mã thực hiện. Tuy nhiên, hậu quả nó để lại là sự trì trệ khiến quốc gia lâm vào thế bị động và yếu thế hơn so với các cường quốc mới nổi trong khu vực. Năm 1453, Đông La Mã đã sụp đổ hoàn toàn sau khi Constantinopolis thất thủ bởi đế quốc Ottoman dưới triều đại của Mehmed II.
Viễn cảnh hoang tàn và sự sụp đổ của La Mã
Trong tác phẩm, Gibbon đã trình bày lịch sử tôn giáo gắn liền với sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã. Nhưng tôn giáo không phải là chủ đề duy nhất của ông.
Chúng ta bắt gặp những từ “dân rợ” (một thuật ngữ đại khái áp dụng cho những người ngoài đế chế, thường thèm muốn sự giàu có mà họ nhìn thấy), chủ nghĩa quân phiệt hám lợi (vô năng, thiếu dũng khí, không có lòng ái quốc), thuế khóa áp bức (đánh thuế một cách bất công và ép nộp một cách nhẫn tâm nhất đối với những người ít có khả năng chi trả nhất, các chính trị gia đồi bại, chính phủ chuyên chế và chiến sự liên miên chống lại kẻ thù của trật tự La Mã, trong và ngoài đế chế.
Bắt đầu tại thời điểm kết thúc của chính quyền Cộng hòa (vào năm 31 TCN, nền Cộng hòa La Mã đầu hàng vô điều kiện trước nhà độc tài quân sự Caesar Augustus), Gibbon đã lần theo những thăng trầm của đế chế La Mã.
Ông cho rằng chính nền chuyên chế quân sự và tình trạng vô chính phủ đã phá tan nhà nước không chỉ một lần. Máu đã đổ xuống và các nền kinh tế đã tiêu tan vì nội chiến được đỡ gượng dậy hết lần này đến lần khác trên một cái nền móng thậm chí còn bị áp bức hơn bao giờ hết. Những xung đột nội bộ gia tăng cùng sự gia tăng của quá trình Kitô hóa.
Trong suốt giai đoạn đó, những kẻ xâm lấn liên tiếp xuất hiện và giáng những đòn vũ lực vào thành lũy phòng vệ được dựng lên bởi một quân đội hống hách, suy đồi và vô kỷ luật.
Tiếp đó, chúng ta chứng kiến sự phân chia của phương Đông và phương Tây, ban đầu là quân sự, rồi đến chính trị và cuối cùng là tôn giáo.
La Mã sụp đổ, nhưng có La Mã mới của hoàng đế Constantine, một La Mã Kitô giáo, tức thành Constantinopolis vẫn tồn tại 1.000 năm nữa, thiên niên kỷ chứng kiến sự trỗi dậy của một giáo thuyết độc thần khác là Islam, cũng như của các đế chế người Ả rập, nhiều tộc du mục (trong đó có Zingis, hay Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn) và dân Thổ thuộc đế chế Ottoman. Châu Âu phong kiến đòi lại những lãnh thổ đã mất vào tay người Islam trong một loạt cuộc thập chinh tôn giáo... Tất cả những điều này đã dẫn đến viễn cảnh hoang tàn của La Mã vào thế kỷ 15 và sự sụp đổ của đế chế này là một điều tất yếu.
Bên cạnh việc chỉ nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ tàn khốc của một đế chế hùng mạnh kéo dài 13 thế kỷ, Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã còn đề cập đến cả lối sống của một nền văn minh.
Trên một số bình diện tác phẩm còn được coi là câu chuyện về đêm tối bạo quyền (bắt từ năm 31 TCN, thời điểm kết thúc của chính quyền Cộng hòa La Mã). Mãi đến năm 1776 (thời điểm bộ sách ra mắt lần đầu), một cuộc thử nghiệm về chính quyền cộng hòa mới được hồi sinh trên quy mô lớn, và con đường này đã được khai mở bởi Phong trào Phục Hưng, Cải Cách và Khai minh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-giai-su-sup-do-tan-khoc-cua-de-che-la-ma-post1379602.html