'Ma Chiên', người nói nhiều, làm nhiều ở xã Ia Mơ
Do yêu cầu công việc, anh nói rất nhiều: Nói từ sáng đến tối, từ chân nhà sàn - tổ ấm của gia đình cho đến đội công tác địa bàn, từ làng Krông sang làng Klả, từ dưới cánh đồng lúa nước lên nương sắn, nương ngô trải dọc con suối Ia Mơ. Bởi, đơn giản anh sinh ra, lớn lên từ đất làng và đã cống hiến gần như trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất rừng biên giới và giờ đây đang được sống trong vòng tay yêu thương của cộng đồng. Anh là Đại úy Rơ Ô Thuy, người dân tộc Jrai, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ (BĐBP Gia Lai) - người vẫn được bà con gọi bằng cái tên thân thương 'ma Chiên' Biên phòng…
Hai “R” trên cùng một điểm hẹn
Điểm hẹn đó là xã biên giới Ia Mơ thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, mảnh đất kiên cường, bền bỉ cả trong chiến tranh và trong xây dựng đời sống, phát triển kinh tế (Ia Mơ là xã Anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ). Còn hai “R” là sự kế thừa giữa hai “ngôi sao xanh” mang trong mình dòng máu Jrai, đã và đang tỏa sáng trên bầu trời biên giới.
Gần 20 năm về trước, Thượng tá Rơ Mah Tuân, hiện là đại biểu Quốc hội, Chính ủy BĐBP Gia Lai bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình trong vai trò Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ. Ngày đó, Ia Mơ không chỉ là mảnh đất nghèo khó mà còn là điểm nóng vượt biên trái phép sang Campuchia do bọn phản động FULRO, “Tin lành Đề-ga” ở địa bàn nội địa hình thành nên. Lúc bấy giờ, cùng với những người đồng đội của mình và chính quyền cơ sở, Đội trưởng Rơ Mah Tuân tập trung tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con, vừa xây dựng củng cố thế trận Biên phòng toàn dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi hành vi tổ chức câu móc, đưa đón người vượt biên trái phép. Rất nhiều vụ việc người dân trực tiếp vây bắt các toán vượt biên về giao cho chính quyền và đồn Biên phòng, hàng loạt mô hình mới, cách làm hay trong xây dựng đời sống được áp dụng đã khẳng định vai trò “trung tâm đoàn kết” của BĐBP trên địa bàn biên giới.
Kế thừa cách làm của người tiền nhiệm, hiện là chỉ huy trực tiếp của mình, Đại úy Rơ Ô Thuy nỗ lực cống hiến với khát vọng chung tay, góp sức xây dựng Ia Mơ trở thành một “điểm hẹn” lý tưởng trong phát triển kinh tế với “mũi nhọn” là cây lúa nước. Từ địa phương thuần nông nhưng quanh năm phải đau đầu với bài toán an ninh lương thực tại chỗ, Ia Mơ “trở mình” thành vựa lúa lớn nhất nhì của tỉnh Gia Lai. Bà con nông dân ở các vùng lân cận như Đức Cơ, Chư Sê, Ayun Pa tìm đến Ia Mơ lập nghiệp, hoặc thuê đất để phát triển sản xuất và chăn nuôi. Vùng biên nghèo khó giờ đây đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển.
Từ khoảnh ruộng sau nhà đến những buổi lái máy cày trên... “sân khấu”
Ai là người khởi xướng mô hình lúa nước ở xã Ia Mơ? Câu trả lời đó là tập thể những người lính Biên phòng, mà người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là Đại tá Trương Thế Tuân, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai giai đoạn 2009-2014. “Trong một chuyến công tác, Chỉ huy trưởng chỉ đạo chúng tôi phải san lấp mảnh đất sau nhà đội công tác địa bàn để trồng lúa nước. Thủ trưởng bảo, làm thế các anh vừa có lúa chất lượng cao để ăn, vừa tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp cận nhanh với cây lúa nước, để khi công trình thủy lợi Ia Mơ hoàn thành là bà con xắn quần xuống ruộng được ngay...” - Đại úy Rơ Ô Thuy nhớ lại.
Tuy nhiên, tầm nhìn và sự chỉ đạo của người chỉ huy cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Vẫn còn nhiều yếu tố mà tôi muốn kể ra đây để trân trọng sự cống hiến của những người lính và vợ lính sống trên đất làng. Năm 2005, trong một lần lên biên giới thăm chồng, chị Kpă H,nuôn (vợ Đại úy Rơ Ô Thuy) cứ nằng nặc đòi ở lại làm “công dân” của xã Ia Mơ. Thương vợ trẻ, con thơ cứ mãi sống cảnh xa chồng, Rơ Ô Thuy đành gật đầu chấp nhận, dẫu biết phía trước là vô vàn thử thách rất khó vượt qua. Đôi vợ chồng chọn làng Klả làm nơi lập nghiệp, dựng lều ở tạm sinh sống qua ngày. Khó khăn chỉ được giải quyết khi họ được Đồn Biên phòng Ia Mơ trao tặng nhà Đồng đội, xây chắc hơn hậu phương của người lính trên biên giới.
Vốn là con nhà nông “chính hãng” ở vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên (Ayun Hạ), vụ mùa đầu tiên đội công tác địa bàn triển khai mô hình trình diễn lúa nước, chị H,nuôn đã hỗ trợ khâu kỹ thuật làm đất xuống giống. Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây lúa nước nhanh chóng bén rễ trên đất Ia Mơ, với năng suất vượt trội so với cây lúa nương một vụ. Cùng với đó, đội công tác địa bàn thường xuyên bám đồng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con, đã tạo nên sự chuyển biến trong tư duy sản xuất của các chủ nhân đất rừng biên giới. Để giúp bà con tiếp cận sâu hơn nữa cách làm lúa nước, Đội trưởng Rơ Ô Thuy bàn bạc với người bạn đồng hương, cùng cảnh ngộ như anh là Thượng úy Rơ Ô Xuen, nhân viên Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơ (hiện đang sinh sống tại làng Klả) đặt mua các phương tiện từ quê nhà lên, vừa phục vụ sản xuất trong gia đình, vừa tuyên truyền giúp bà con tiếp cận với máy móc hiện đại, nâng cao năng suất lao động.
Bà Rơ Mah Pinh, một “đại gia” nông dân mới nổi của làng Klả bồi hồi nhớ lại: “Những ngày đầu nhìn thấy “ma Chiên” (gọi theo tên con đầu lòng của Đại úy Rơ Ô Thuy) lái chiếc máy cày làm đất, cả làng, cả xã kéo nhau ra xem giống như đi xem hát trên sân khấu vậy đó. Ai cũng thấy lạ, vì một mình nó mà làm gấp chục, gấp trăm lần người ta. Năng suất lúa lại cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống chọc trỉa của bà con. Như nhà mình đây, khi chưa học được mô hình lúa nước của BĐBP, làm quần quật cả năm cũng chỉ được vài chục bao lúa. Còn năm nay, mình thu được hơn 350 bao (50kg/bao) mà không cần phải bỏ nhiều công sức. Ở đây, Đồn Biên phòng Ia Mơ là lực lượng gần gũi, giúp đỡ bà con nhiều nhất, còn “ma Chiên” thì quá tuyệt vời, chuyện gì nó cũng nói được, làm được...”.
Cũng theo chia sẻ của người làm lúa nước giỏi nhất xã Ia Mơ, Đại úy Rơ Ô Thuy thực sự là người mà bất kỳ ai trong làng, trong xã này đều có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình. Bởi, đơn giản ở anh có sự đồng cảm rất sâu trong ngôn ngữ, phong tục tập quán và cả những giao tiếp hàng ngày. Một sĩ quan Biên phòng đầy khát vọng cống hiến, sinh ra từ đất làng, giờ đây, được sống và làm việc trong vòng tay cộng đồng, thì quả thực đó là “bảo bối” trong công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Mơ.
Từ khoảnh ruộng phía sau đội công tác địa bàn, đến những buổi lái máy cày trên... “sân khấu” là chuỗi ngày dài nỗ lực cống hiến của người lính Biên phòng. Cây lúa nước hiện đang được bà con nông dân xã Ia Mơ canh tác chỉ gói gọn trong thời gian 4 tháng, nghĩa là đã “tiết kiệm” được khoảng 60 ngày so với giống lúa nương truyền thống. Tuy nhiên, để loại cây kinh tế mũi nhọn này “bám rễ” trong tư duy sản xuất của các chủ nhân đất rừng biên giới cần lắm những con người như Đại úy Rơ Ô Thuy.