Mang thế giới lên vùng cao

Biết thêm một ngoại ngữ là có thêm chiếc chìa khóa để các em mở cánh cửa ra thế giới. Đó chính là động lực để các thầy cô giáo quyết tâm vượt mọi khó khăn, mang “thế giới” đến với học sinh vùng cao.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh (Trường Cao đẳng Lào Cai), cô giáo Su Thị Yêu được phân công công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Cheo (huyện Bát Xát). Thấm thoắt đã 13 năm trôi qua, cô giáo Yêu vẫn không thể quên ngày đầu vào nghề. Cô kể: Học sinh của trường 100% là dân tộc Mông, nói tiếng phổ thông còn “lơ lớ”, thế nhưng em nào cũng hào hứng bởi đây là lần đầu tiên được học tiếng Anh. Vì là ngôn ngữ thứ 3 của các em nên nhiều từ vựng tôi phải vất vả mới giải thích được. Học sinh người Mông còn gặp trở ngại khi phát âm bởi phần lớn các em bị ngọng, vì thế rất rụt rè khi trả lời câu hỏi.

Thay vì dạy học theo hình thức truyền thống, các tiết học của cô giáo Yêu được khởi động bằng những bài nhạc thiếu nhi, học sinh vừa hát vừa nhún nhảy theo, kèm với đó là những từ vựng tiếng Anh vang lên để các em làm quen. Em nào đọc chưa chuẩn, cô giáo sẽ chỉnh sửa luôn, em nào phát âm đúng sẽ được cô khen, thưởng kẹo và được các bạn tán dương. Cô giáo Yêu còn sưu tầm những tranh, ảnh phù hợp, xây dựng kế hoạch cho từng tiết học cụ thể, khuyến khích học sinh học tiếng Anh theo nhóm và cho học sinh biểu diễn đóng vai theo chủ đề của tiết học. Đồng thời, cô luôn cố gắng dành thời gian tìm hiểu tâm lý học sinh, từ đó tìm cách truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách linh hoạt và phù hợp. Thông qua các hoạt động vui chơi của học sinh, những mẩu giấy dán trên bảng, đồ vật... giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng.

Từ năm học 2022 - 2023, cô giáo Yêu tăng cường dạy thêm tại Trường Tiểu học và THCS Cốc Mỳ. Nhà ở thành phố, phải đi lại xa xôi nhưng cô giáo trẻ vẫn tâm huyết với công việc “cõng” ngoại ngữ lên vùng cao.

Cũng có thời gian dài công tác tại điểm trường vùng xa của thị xã Sa Pa, cô Trần Hải Yến, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Sa Pa chia sẻ: Sa Pa có điều kiện thuận lợi hơn để học sinh tiếp cận ngoại ngữ, đó là khách du lịch đông, các em dễ dàng có cơ hội được giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài. Tuy nhiên, điều kiện giảng dạy ở trường học vùng cao còn khó khăn như chưa có thiết bị máy nghe, các loại sách bổ trợ còn thiếu thốn…

Chính vì vậy, cô Yến đã tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy như sưu tầm tranh, ảnh minh họa, khuyến khích học sinh học tiếng Anh theo nhóm, học tiếng Anh bằng hình thức kể chuyện, đóng tiểu phẩm…

“Thời điểm tôi đi dạy cũng là lần đầu tiên học sinh Trường Tiểu học Bản Hồ được học tiếng Anh, các em nhỏ lần đầu tiếp xúc với ngoại ngữ nên rất bỡ ngỡ. Học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp bằng tiếng Anh, lớp học thiếu thốn trang - thiết bị, tôi lại mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Vậy mà chỉ sau 1 học kỳ, cả cô và trò đã nhanh chóng bắt nhịp với môn học” - cô Yến nhớ lại.

Nhà ở trung tâm thị xã Sa Pa nhưng cô giáo Yến vẫn tình nguyện ở lại trường tới tận cuối tuần mới về. Cuối buổi chiều, cô thường cùng học sinh nán lại lớp cắt dán trang trí một góc ngoại ngữ riêng với các hình thù đáng yêu gắn với từ vựng đơn giản. Cô Yến còn cất công chuẩn bị nhiều dụng cụ mô phỏng như bản đồ, quả địa cầu, băng catset hoặc bất cứ con vật, loại cây nào có trong bản trở thành ví dụ minh họa cho bài giảng. Dần dần, những từ tiếng Anh lạ lẫm trở nên dễ nhớ với học sinh vùng cao.

Xác định dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi, điểm số hay thành tích không phải là điều quan trọng, thứ mà cô giáo Yêu, cô giáo Yến mong muốn là các em hiểu và thật sự hào hứng với ngoại ngữ, tự tin hơn trong giao tiếp. Bởi vậy, không quản ngại vất vả, khó khăn, các giáo viên dạy tiếng Anh vẫn hết mình “mang thế giới” đến gần hơn với những trẻ em vùng cao, nơi còn vất vả...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mang-the-gioi-len-vung-cao-post380546.html