Phấn đấu đến năm 2030, 100% phòng học trên cả nước được kiên cố hóa
Bộ GD&ĐT đã tập trung xây dựng và triển khai chương trình đầu tư công kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu…, phấn đấu đến năm 2030, 100% phòng học trên cả nước được kiên cố hóa.
Chiều 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, Bộ Chính trị đã ghi nhận những kết quả được, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91.
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, để triển khai Kết luận 91, Bộ GD&ĐT đã tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.
Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Bộ GD&ĐT cũng tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đề xuất các giải pháp tăng cường đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế…
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện ở Việt Nam, quan tâm đầu tư cho giáo dục chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục…
Bộ GD&ĐT đã tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 29 đề ra…
Xây dựng và triển khai chương trình đầu tư công kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nêu một số đề xuất về các vấn đề như tiền lương cho nhà giáo; chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam; xây dựng chương trình đầu tư công hiện đại hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp…
Nghiên cứu sâu để xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam
Đóng góp ý kiến tại Phiên họp, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng trong Chương trình hành động triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng xã hội học tập. Một trong những yếu tố xây dựng xã hội học tập thành công là cam kết của chính quyền, thứ 2 là nguồn lực, thứ 3 là tạo được sự đồng thuận của toàn dân, những vấn đề ấy phải được nghiên cứu rất sâu để xây dựng một xã hội học tập tại Việt Nam.
Còn về vấn đề tiền lương cho nhà giáo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ Thủ tướng đã rất quyết liệt đối với chính sách đổi mới cơ chế tiền lương cho nhà giáo và Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, khi chưa thể nâng được tiền lương theo hệ thống bảng lương cao nhất thì cần nghiên cứu trợ cấp cho nhà giáo, áp dụng như y tế cơ sở được 100% phụ cấp.