Mặt xấu xí của lì xì
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore mệt mỏi và áp lực khi số tiền lì xì bị đồng nhất với lòng hiếu thảo, sự tôn trọng họ dành cho người khác.
Joy, một người làm nghề tư vấn 30 tuổi ở Singapore, có nhiều điều để suy ngẫm trong dịp Tết này.
Đây là cái Tết đầu tiên sau khi cô kết hôn. Theo phong tục của Trung Quốc, các cặp vợ chồng sẽ phát phong bì đỏ chứa đầy tiền mặt, thường gọi là hồng bao hay "ang pow" (ở Hong Kong) cho cha mẹ, người lớn độc thân và trẻ em.
Theo truyền thống Tết Nguyên đán, hồng bao (hay lì xì) có tiền mặt, sẽ được các cặp vợ chồng trao cho bố mẹ, người lớn còn độc thân và trẻ em vào những ngày đầu năm mới.
Nhưng nhiều người trẻ Singapore, đặc biệt các cặp vợ chồng mới kết hôn, cảm thấy nghi lễ này đã lỗi thời. Họ không khỏi áp lực khi số tiền mừng tuổi bị gán với lòng hiếu thảo và sự tôn trọng.
Tương tự, phát lì xì - phong tục phổ biến dịp đầu năm mới - cũng là áp lực chung của nhiều người trẻ tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore.
Áp lực tài chính
Ban đầu, Joy ngần ngại việc tặng lì xì cho những người đồng trang lứa, chẳng hạn anh em họ hay bạn bè trong năm đầu tiên kết hôn. Nhưng bố mẹ chồng thuyết phục Joy coi đó là một cử chỉ đơn giản để tạ ơn và chúc phúc cho người khác.
"Các phong tục và truyền thống của Trung Quốc vẫn tồn tại, chúng ta nên giữ gìn chúng nếu có thể. Nhưng tôi tin chắc không nên mù quáng tin theo tất cả truyền thống mà không hiểu ý nghĩa của chúng", Joy nói với SCMP.
"Nếu truyền thống đó nhằm thể hiện số tiền tôi có và có thể cho đi, tôi thà không làm", cô nói thêm.
Có rất nhiều trang web công bố cái gọi là mức giá thị trường chấp nhận được đối với hồng bao, và theo một trang web, số tiền được đề xuất thậm chí có thể lên tới 1.000 SGD (756 USD).
Những con số này trở thành vấn đề đau đầu đối với các cặp đôi mới cưới, những người đã phải gánh vác các chi phí lớn khác như tổ chức tiệc cưới và tân trang nhà cửa.
"Thật là một nỗi đau", Lim Kai Xing, 26 tuổi, người mới kết hôn vào tháng 12/2022, nói. "Chúng tôi cảm thấy căng thẳng về tiền bạc vì có rất nhiều khoản chi phí đè nặng lên vợ chồng khi kết hôn", Lim chia sẻ, liệt kê danh sách cần chi như tiền đám cưới, tuần trăng mật và mua nội thất.
Đối với một số người, chi tiêu liên quan đến đám cưới còn trở nên nặng nề hơn do sức ép lạm phát, thuế của các dịch vụ ở Singapore cũng tăng nhẹ vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, Lim và chồng mới cưới dự định tặng phong bao lì xì cho nhiều người thân khác nhau, bao gồm những anh em họ hàng chưa lập gia đình, vì đây là một truyền thống lâu đời trong gia đình cô.
Người trẻ nhìn nhận lại truyền thống
Tại Singapore, nơi có hơn 75% dân số là người gốc Hoa đón Tết Nguyên đán một số thanh niên không còn hứng thú với nghi lễ hàng năm. Một số người, như Krystal (28 tuổi) - giám đốc điều hành công nghệ - tin rằng chúng đã trở nên “phức tạp” về ý nghĩa.
"Tôi thích nguồn gốc và truyền thống của tục lệ này, nhưng không thích cách nó vận hành ngoài đời thực, xét về mặt kỳ vọng và xu hướng đồng nhất hồng bao với lòng hiếu thảo và sự kính trọng", Krystal bày tỏ.
Bên cạnh đó, cô cho rằng sẽ luôn có một số người thân mong muốn được tặng số tiền nhất định. Thay vì bỏ truyền thống, cô cho rằng tốt hơn hết nên đánh giá lại và loại bỏ "yếu tố độc hại" ra khỏi nghi lễ này.
Krystal, cũng là một người mới kết hôn, cho biết cô sẽ chỉ tặng phong bao lì xì cho bố mẹ và ông bà trong Tết này, nhưng có thể mở rộng danh sách cho các thành viên nhỏ tuổi hơn của gia đình trong năm tới.
Cô dự kiến chỉ chi từ 10-20 SGD cho mỗi đứa trẻ và 80 SGD cho mỗi người thân lớn tuổi. Tổng số tiền này có thể rơi vào mức 500 SGD (380 USD).
Vấn đề gây tranh cãi
Trong khi đó, Loh, 36 tuổi và độc thân, bắt đầu đặt câu hỏi khi nào anh nên ngừng nhận hồng bao tiền mặt từ người thân. Anh không nghĩ mình sẽ kết hôn và tự hỏi sẽ nhận hồng bao từ bố mẹ đến bao giờ, cho rằng điều đó có thể trở nên “khó xử”.
"Đặc biệt là khi tôi ngày càng lớn tuổi, tôi cảm thấy không ổn", Loh nói. Tuy nhiên, anh khá thoải mái với nghi lễ ngay cả khi những người thân dồn dập hỏi anh ấy về hẹn hò và hôn nhân mỗi khi họ đưa cho anh ấy một phong bì đỏ tốt lành.
"Đó là truyền thống. Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm từ khi còn trẻ. Một số thứ chỉ thoải mái khi quen thuộc", Loh bày tỏ.
Tương tự, lì xì bao nhiêu là phù hợp cũng là câu chuyện gây tranh cãi căng thẳng ở Hàn Quốc - một trong những quốc gia đón Tết Nguyên đán ở châu Á.
Trong ngày Tết, người lớn tuổi (thường là bố mẹ, ông bà) sẽ phát sebae-don (lì xì) cho con cháu trong nhà. Sebae-don thường được đựng bên trong bao vải hoặc phong bao nhiều màu sắc, với ý nghĩa trao lại những lời chúc năm mới về sức khỏe, công việc và hôn nhân.
Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp này đang dần trở nên xấu xí khi số tiền lì xì trở thành áp lực, mừng tuổi bao nhiêu là đủ không có được sự đồng thuận của tất cả.
Trong một cuộc khảo sát do SK Communications thực hiện, trong số 6.000 người trưởng thành ở độ tuổi từ 20 đến 60, 43% cho rằng 50.000 won (40 USD) là số tiền phù hợp để lì xì, Korea Herald đưa tin.
Gần 30% ủng hộ việc không tham gia vào bất kỳ hoạt động trao đổi tiền nào vì cả hai bên đều có thể cảm thấy áp lực. Một số lý do khác được đưa ra là ngày càng có nhiều cặp vợ chồng không có con.
Một nhóm nhỏ khác tỷ lệ 15% lại cho biết phong tục lâu đời cũng không nên biến mất hoàn toàn, thay vào đó là người lớn có thể lì xì số tiền tượng trưng như 10.000 won. Nhóm này quan điểm tình cảm và truyền thống quan trọng hơn số tiền thực tế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-xau-xi-cua-li-xi-post1395674.html