Mèo lại hoàn mèo và câu chuyện đạo văn năm Quý Mão
Mèo lại hoàn mèo là tên một câu chuyện ngụ ngôn nhằm khuyên răn mọi người cần nhìn nhận đúng và lượng sức mình để có một thái độ khiêm tốn, không nên huênh hoang, phô trương quá sức mình. Nhưng mới đây, 'mèo lại hoàn mèo' lại là câu đùa vui cho một trường hợp liên quan đến đạo văn.
Con mèo trong văn chương là bài viết của tác giả Nguyễn Nhân Thống, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang số 44, sau đó được đăng trên online vào ngày 23-2-2011 tại địa chỉ: https://vannghetiengiang.vn/news/Nghien-cuu-Ly-luan-Phe-binh/Con-meo-trong-van-chuong-1280/
Tình cờ trong dịp Tết Quý Mão, bạn đọc phát hiện ra một bài viết tương tự của tác giả Ngô Đức Hành đăng trên Tạp chí Vietnam Logistics Review của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam vào ngày 15-1-2023 tại địa chỉ: https://vlr.vn/con-meo-trong-van-chuong-9647.html
Ngoài nhan đề “y xì phốc” thì gần như toàn bộ nội dung từ bài viết của tác giả Nguyễn Nhân Thống đã được tác giả Ngô Đức Hành “mượn” để sử dụng trong bài viết của mình. Cụ thể, bài viết của tác giả Ngô Đức Hành có dung lượng 1.842 chữ (chưa tính nhan đề) thì có gần 500 chữ là của tác giả Nguyễn Nhân Thống.
Dưới đây là một số đoạn văn mà tác giả Ngô Đức Hành đã đi “mượn”:
“Trong văn chương Việt Nam, con mèo cũng đã được hiện diện với tư cách là một biểu tượng nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ cũng đã mượn hình ảnh con mèo để ký thác tâm sự hoặc đề cao nó qua việc bắt chuột, trừ được nạn chuột phá hoại mùa màng.
Nhiều con mèo khôn ngoan đã trở thành những con mèo ngoại hạng. Bởi vậy, hình ảnh con mèo đã sớm được đưa vào văn học với bài “Con mèo” của Nguyễn Trãi (“Miêu” là bài thơ thứ 251 trong tổng số 254 thi phẩm của “Quốc âm thi tập” được Nguyễn Trãi sáng tác trong những ngày về ở ẩn tại Côn Sơn; “Con mèo” của Phan Văn Trị, “Con mèo” của Tú Mỡ....
Trong tập truyện nổi tiếng “O chuột” của nhà văn Tô Hoài xuất bản năm 1941, ông viết: “Mèo lơ dơ và nghiêm nghị tựa như một thầy giáo nhà dòng, trên mình khoác một bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm”.
Hình ảnh con mèo trong thơ Tú Mỡ cũng như trong văn miêu tả của Tô Hoài là thật đáng yêu, đáng mến. Tuy nhiên dưới cái nhìn của nhiều nhà thơ, con mèo bị chê bai không phải là ít.
Qua tìm hiểu, được biết tác giả Ngô Đức Hành hiện là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên là cán bộ biên tập và quản lý tại NXB Giao thông vận tải. Ngoài 7 tập thơ in riêng, ông còn có 2 tập bút ký.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/meo-lai-hoan-meo-va-cau-chuyen-dao-van-nam-quy-mao-post676678.html