Mipec của ai?

Cái tên Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội (Mipec) dễ khiến người ta hình dung về một doanh nghiệp quốc phòng. Nó đúng một phần.

Mipec được một số doanh nghiệp quốc phòng sáng lập nên. Cụ thể là Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Mà thực ra, trong hai cổ đông này chỉ có Vaxuco là doanh nghiệp 100% vốn của Bộ Quốc phòng, còn MBBank, như đã biết, là một doanh nghiệp đại chúng có sự góp vốn của một số doanh nghiệp quốc phòng.

Theo đăng ký kinh doanh cập nhật đến giữa năm 2017, hai lãnh đạo chủ chốt nhất của Mipec đều là những sỹ quan cao cấp: Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; Đại tá Dư Cao Sơn – Tổng Giám đốc. Cùng thời điểm, ông Thạch và ông Sơn cũng là những lãnh đạo chủ chốt của Vaxuco khi lần lượt nắm giữ các chức vụ Chủ tịch HĐTV và Chính ủy.

Một bản tin nội bộ của Mipec tường thuật về lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng II của công ty này hôm 26/04/2019 giới thiệu: “Về phía MIPEC, có sự tham gia của Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; ông Dư Cao Sơn - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc cùng các thành viên HĐQT; Đảng ủy; Ban Tổng Giám đốc và toàn thể các cán bộ nhân viên MIPEC.”

Ông Thạch sinh năm 1957, ông Sơn sinh năm 1958, có nghĩa, thời điểm diễn ra sự kiện trên, hai vị sỹ quan cao cấp này đều đã trên 60 tuổi – lứa tuổi nghỉ hưu theo chế độ tại các đơn vị nhà nước (trừ các trường hợp đặc thù). Và thực tế theo tìm hiểu, đến nay, hai ông đều đã thôi nhiệm và nghỉ hưu ở Vaxuco. Tuy nhiên, câu chuyện ở Mipec lại khác, là một doanh nghiệp cổ phần, nhân sự công ty sẽ không bị ràng buộc bởi các giới hạn tuổi hưu.

Cập nhật đến thời điểm hiện tại, dữ liệu của cơ quan thuế vẫn đang ghi nhận người đại diện theo pháp luật của Mipec là ông Dư Cao Sơn – Tổng Giám đốc. Trong khi vị trí Chủ tịch HĐQT được đảm trách bởi ông Đào Ngọc Thạch.

Với đặc điểm là một doanh nghiệp đã được tư nhân hóa cơ bản, ông Thạch, ông Sơn hay bất kỳ lãnh đạo nào đều có thể cống hiến cho Mipec thêm nhiều năm nữa, chỉ cần có đủ năng lực và có sự tín nhiệm của các cổ đông. Việc đã nghỉ hưu có thể khiến hai cựu lãnh đạo Vaxuco không còn được Vaxuco ủy quyền đại diện vốn nhà nước tại Mipec nhưng kinh nghiệm, quan hệ, kỹ năng quản trị điều hành của ông Thạch, ông Sơn là một điểm rất giá trị với các cổ đông còn lại.

Mipec đặt trụ sở tại tòa nhà của Vaxuco nhưng tỷ lệ sở hữu của Vaxuco ở Mipec chỉ còn khá hạn chế, với 9,695% cổ phần.

Bí ẩn 76% sở hữu ở Mipec

“Năm 2018, tng doanh thu ca MIPEC đt xp x 7.500 t đng, tng tài sn đt gn 7.000 t đng vi gn 600 lao đng cùng h thng chi nhánh, đơn v thành viên trên khp c nước.”

Theo cơ cấu cổ đông được cập nhật gần nhất của Mipec, mức độ sở hữu của 3 cổ đông sáng lập - là Vaxuco, MBBank và Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - chỉ còn khá hạn chế, với lần lượt là 9,695% (Vaxuco góp 96,95 tỷ đồng), 9,09% (MBBank góp 90,9 tỷ đồng), 5% (Petrolimex góp 50 tỷ đồng).

Vì đăng ký kinh doanh không liệt kê nên chưa rõ, hơn 762 tỷ đồng còn lại trong mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của Mipec được đóng góp bởi những cổ đông nào. Nhấn mạnh rằng, với tỷ lệ sở hữu hơn 76%, hiện đây mới là nhóm chi phối thực sự Mipec, chứ không phải là 3 cổ đông sáng lập như vẫn biết.

“Năm 2003, vốn điều lệ của MIPEC là 20 tỷ đồng, đến tháng 8 năm 2015, vốn điều lệ đã tăng 50 lần, lên 1.000 tỷ đồng”, Mipec tự giới thiệu trên website. Việc các cổ đông sáng lập bị pha loãng mạnh tỷ lệ sở hữu cho thấy có khả năng, Mipec đã thực hiện cả phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược trong các lần tăng vốn.

Dữ liệu của VietTimes thể hiện, qua các lần tăng vốn của Mipec từ năm 2010 đến nay, phần vốn của Vaxuco bị pha lãng nhiều nhất trong số 3 cổ đông sáng lập.

Theo đó, năm 2010, khi vốn điều lệ của Mipec ở mức 330 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vaxuco là 20,6% (góp 67,98 tỷ đồng), của Petrolimex là 10% (góp 33 tỷ đồng), của MBBank là 9,09% (góp 29,997 tỷ đồng). Đến cuối năm này, Mipec tăng vốn lên 500 tỷ đồng; Trong khi MBBank và Petrolimex góp thêm đủ vốn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, thì Vaxuco chỉ góp thêm 27,97 tỷ đồng (nâng quy mô vốn góp lên thành 96,95 tỷ đồng) khiến tỷ lệ sở hữu giảm nhẹ về còn 19,39%.

Đầu năm 2016, khi Mipec thực hiện nâng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ mức 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng), chỉ duy nhất MBBank góp thêm vốn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu ở 9,09%. Vaxuco và Petrolimex không góp thêm một đồng nào, do đó, tỷ lệ sở hữu tại Mipec bị pha loãng một nửa, về chỉ còn lần lượt 9,695% và 5%.

Vốn điều lệ của Mipec, cũng như tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông sáng lập Mipec được giữ ổn định cho đến nay. Tuy nhiên như đã nói, tiếng nói của bộ ba doanh nghiệp nhà nước này chỉ còn rất hạn chế. Tỷ lệ hơn 76% của các cổ đông khác đủ để nhóm này quyết nghị hầu hết các chủ trương, quyết sách của Mipec.

Nhưng danh tính của nhóm chi phối thì này vẫn còn là bí ẩn với phần đông thị trường.

Ninh Giang

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/mipec-cua-ai-380500.html