Mới 15 tuổi, trẻ đã viêm loét dạ dày phải cấp cứu
Bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Mặc dù trẻ được truyền máu liên tục nhưng máu vẫn chảy không ngừng.
Ngày 4/9, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, bệnh nhân 15 tuổi xuất huyết tiêu hóa nguy kịch đã được xuất viện sau thời gian điều trị tích cực.
Em N.H.N, ngụ tại Bình Dương, nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng. Một năm trước, N. từng phải cấp cứu trong tình trạng tương tự tại bệnh viện địa phương.
Lần này, tại Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, em được hồi sức chống sốc, truyền dịch, truyền rất nhiều máu, điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả, máu vẫn tiếp tục chảy. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi cầm máu, nhưng máu vẫn phun thành dòng, phải tiếp tục hồi sức cho bệnh nhi.
Sau đó, ê-kíp các bác sĩ Khoa Ngoại đã thực hiện can thiệp để phẫu thuật ổ bụng và cầm máu mới có hiệu quả. N. tiếp tục được điều trị và tiệt trừ vi khuẩn HP trong dạ dày. Đến ngày 1/9 vừa qua, em mới được xuất viện.
Bác sĩ Hà Văn Thiệu, Điều hành Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định, đây là trường hợp xuất huyết tiêu hóa rất nặng, nếu không kịp can thiệp, trẻ có thể tử vong vì mất máu. Trung bình mỗi tháng, tại đây có từ 5-7 trẻ phải nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa, cá biệt có bé 3 tuổi. Kết quả nội soi cho thấy khoảng 70% dương tính với vi khuẩn HP.
Theo bác sĩ Thiệu, vi khuẩn HP lây nhiễm cho trẻ từ cộng đồng hoặc chính từ gia đình, có thể qua đường ăn uống. Khoảng 70% dân số Việt Nam mang vi khuẩn này, đa phần không cần điều trị, hoặc tùy tình trạng, sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ, phụ huynh phải đảm bảo thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, chế biến chín, nguồn nước an toàn, duy trì thói quen rửa tay khi nấu ăn và trước khi ngồi vào bàn ăn.
Trong trường hợp trẻ bị viêm loét dạ dày do HP, phụ huynh phải kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu điều trị dở dang, trẻ đối mặt với nguy cơ khó diệt trừ thành công vi khuẩn HP, tỷ lệ lành ổ loét và liền sẹo thấp, tái phát cao và có nguy cơ bị ung thư hóa.