Mới học lớp 3 đã nhập viện vì thuốc lá điện tử, cảnh báo hiểm họa học đường
Thuốc lá điện tử đang ngày càng trở thành một 'trào lưu nguy hại' của giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh, khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thuốc lá điện tử rất đa dạng về hình dạng và kích thước. Được mô phỏng dưới hình dạng chức năng của thuốc lá thông thường, tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật, người dùng hít vào phổi bằng cách đốt nóng dịch lỏng - dịch lỏng này là chất chứa nicotine, chất gây nghiện trong thuốc lá truyền thống, chất tạo hương và các chất tạo khói.
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi như: e-cigs, e-hookahs, mods, bút vape, vapes… một số thuốc lá điện tử được sản xuất dưới dạng thuốc điếu truyền thống, xì gà hay ống điếu, có loại giống cây bút, ổ USB... Thuốc lá điện tử có thể được dùng để hút cần sa và các chất gây nghiện khác. Những người hút thuốc lá điện tử thì có đến 98% có triệu chứng hô hấp, theo Tổ chức GOLD (Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Một số hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm.
Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong thuốc lá điện tử sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng như cadmium, chì, niken, thiếc, mangan, selen, kẽm và đồng. Hàng nghìn dung dịch điện tử có chứa hương liệu không phù hợp và cả ở nồng độ không phù hợp, đều có thể dẫn đến tác động tiêu cực cho sức khỏe…
Cũng theo WHO, hiện nay đã có ít nhất 42 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong đó khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này đều xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Một số trường hợp điển hình như: Ngày 1-10-2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói có hút thuốc lá điện tử được bơm tinh dầu mua trên thị trường.
Ngày 9-11-2022, một nam sinh 12 tuổi đã được đưa đến bệnh viện sau khi hút thuốc lá điện tử. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử gửi Viện pháp y Quốc gia để xét nghiệm độc tố. Kết quả trong thuốc lá điện tử có chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến nam sinh ngộ độc.
Ngày 5-12-2022, 7 học sinh lớp 3 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu.
Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức các buổi tuyên truyền cho các em biết về những tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử. Giáo dục trẻ ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với học sinh.
Rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ như: kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng từ chối trước những cám dỗ; kỹ năng chia sẻ… Bên cạnh đó, tạo sân chơi lành mạnh và khuyến khích trẻ tham gia các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc… để rèn luyện sức khỏe và tránh xa những thú vui không lành mạnh khác.
Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải thuốc lá điện tử... Ở độ tuổi thanh thiếu niên, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây hại nhiều hơn so với người trưởng thành. Nguy hiểm hơn, ở lứa tuổi này, các em thường có tâm lý thích tò mò nên càng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo và nếu hút trong thời gian dài, thuốc lá điện tử sẽ gây rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, tâm thần, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất là suy giảm khả năng tư duy, sáng tạo trong học tập.
(Theo VTV)