Một góc nhìn về điện ảnh Việt 30 năm sau đổi mới
Tiến sĩ Ngô Phương Lan là người có hơn 30 năm gắn bó với điện ảnh Việt Nam, từ cả góc độ của một nhà phê bình, lý luận và là nhà quản lý. Những trăn trở, băn khoăn cũng như tình yêu, sự đam mê dành cho điện ảnh trong suốt 30 năm làm nghề đã được chị 'gói ghém' lại trong cuốn sách 'Phác thảo Điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập', vừa ra mắt độc giả yêu điện ảnh.
Lễ ra mắt cuốn sách “Phác thảo Điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của Tiến sĩ Ngô Phương Lan diễn ra trong sự đầm ấm của đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà quản lý văn hóa. Nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim gạo cội của điện ảnh Việt Nam như NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND Lan Hương Bông, NSƯT, đạo diễn Bùi Đức Tiến, NSND Lê Hồng Chương,… cũng đã đến chia vui cùng Tiến sĩ Ngô Phương Lan.
Đây là cuốn sách thứ 3 của Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nhưng nếu tính về sách đã xuất bản thì là cuốn thứ tư. Trước đó, bà từng cho ra mắt các cuốn “Đồng hành với màn ảnh” (năm 1998), giành giải thưởng chính của Hội Điện ảnh Việt Nam cho công trình lý luận, phê bình, cuốn “Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam" (2005), giành giải Cánh diều vàng. Đặc biệt, cuốn sách thứ hai được Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC) vùng Galangpress xuất bản bằng tiếng Anh và phát hành quốc tế năm 2007.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng là đồng tác giả của một số cuốn sách khác về điện ảnh châu Á được xuất bản bằng tiếng Anh.
Cuốn “Phác thảo Điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” gồm 2 phần. Phần 1 đề cập đến “Điện ảnh Việt Nam thời đổi mới”, khái quát các tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, cùng một số bài phê bình phim chọn lọc, về những bộ phim ghi dấu ấn trong thời kỳ này như “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Mê Thảo thời vang bóng”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Thung lũng hoang vắng”, “Bến không chồng”, “Những người thợ xẻ”, “Mùa len trâu”…
Phần 2 của cuốn sách là một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo về các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, cũng như những trăn trở về đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho biết, cuốn sách là sự chắt lọc, có những bài viết do bà thực hiện từ những năm mà các phim đó ra đời, cũng có những nội dung được bổ sung, chỉnh sửa theo cách nhìn của ngày hôm nay. “Phần đầu tôi viết với nhiều cảm xúc hơn. Ở phần sau chủ yếu là lý luận phê bình, có những nội dung đi vào ứng dụng thực tiễn nhiều hơn” – bà chia sẻ.
Ở cuốn sách, có thể thấy rất rõ những tâm huyết của Tiến sĩ Ngô Phương Lan trong mong muốn đóng góp xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế. Với vai trò là nhà phê bình, nhưng cũng có nhiều năm ở vị trí quản lý của ngành, cho nên bà có cái nhìn tường tận về những công việc cụ thể cần làm, từ sáng tạo, sản xuất phim cho đến phát hành và phổ biến phim.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm khi cùng nhiều đoàn điện ảnh Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế lớn trên thế giới, đưa phim Việt ra nước ngoài và đưa các liên hoan phim quốc tế cũng như phim đỉnh cao của thế giới vào Việt Nam.
Nhận xét về cuốn sách, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, cuốn sách được thực hiện rất công phu, dày dặn, gần 400 trang, với cơ sở lý luận rất chắc chắn, dẫn chứng các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu nhất trong mấy năm qua, đây là điều không dễ dàng chút nào.
Ông cũng cho rằng, hiện nay sách phê bình lý luận về các lĩnh vực văn học nghệ thuật không hiếm, nhưng lại không có nhiều sách chuyên khảo về điện ảnh như thế này. Cuốn sách của Tiến sĩ Ngô Phương Lan không chỉ qua một quá trình nung nấu, trăn trở trong nhiều năm, mà còn được viết rất sắc sảo nhưng với cách thể hiện rất chừng mực.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung nhận xét, nhiều bài viết trong cuốn sách có thể coi là những công trình nghiên cứu có giá trị, được đúc kết từ hơn 30 năm gắn bó với điện ảnh nước nhà của tác giả. Ngoài ra, có thể thấy sự xuyên suốt, nhất quán mạnh mẽ trong cuốn sách nhất là về tính quốc tế hóa của điện ảnh, trong đó đề cập đến sứ mệnh của những nghệ sĩ, nhà làm phim không chỉ đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, mà còn cần ra được nước ngoài để có sự so sánh, biết được mình ở vị trí nào đối với thế giới và khu vực.
Cuốn sách được Liên Việt in ấn và phát hành, và đây cũng là cuốn sách được Giám đốc Liên Việt, chị Vũ Phương Liên dành nhiều tâm huyết: “Rất hiếm có cuốn sách nào về điện ảnh mà đầy đủ như vậy. Cuốn sách này thực sự có thể làm tài liệu khảo cứu cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hoặc sinh viên ngành điện ảnh tham khảo. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn cách trình bày trang nhã, thẩm mỹ và đậm chất điện ảnh, để độc giả cảm nhận tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật thứ bảy của tác giả, ngay từ hình thức cuốn sách”.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan sinh năm 1963 tại Hà Nội. Bà từng là Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội từ năm 2012-2018.
Hiện tại bà giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, Ủy viên Ban chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á.
Bà được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017, giải thưởng "Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại CineAsia năm 2022.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mot-goc-nhin-ve-dien-anh-viet-30-nam-sau-doi-moi-post781746.html