Một ngày vật vã, ông chủ Hà thành gọi 'cứu viện' khắp các tỉnh
Thiếu nhân viên, chị Nguyễn Hoài Thu, chủ quán phở ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nôị̣) mướt mải chạy bàn từ sáng tới trưa và huy động thêm người nhà để phục vụ khách.
Chị Thu cho hay, sau thời gian dài nghỉ dịch, quán phở gà của gia đình chị bán trở lại. Thời điểm bán hàng mang về, số lượng bán trong ngày không nhiều nên vợ chồng chị cùng một người nhà phụ trách. Toàn bộ nhân viên cũ, 5 người, đã về quê hết.
Nay quán được bán tại chỗ, lượng khách ngày đầu tăng đột biến. Từ sáng tới tận trưa, vợ chồng chị bơ phờ. Chị đứng bếp làm phở, chồng chị thì ghi đồ khách gọi, bưng bê. Một số người thân trong gia đình trông xe, rửa bát.
“Có thể hôm nay mới mở lại, mọi người ăn đông nên quá tải. Xem tình hình từ mai thế nào, mình sẽ phải gọi thêm nhân viên ở quê ra hoặc tuyển thêm người”, chị nói. Điều chị Thu băn khoăn nhất là các tuyến xe khách liên tỉnh chưa hoạt động, người lao động ở quê khó quay trở lại Hà Nội thời gian này.
Trước dịch, quán phở của chị Thu rất đông khách vào buổi sáng, đặc biệt là ngày cuối tuần. Có thời điểm, chị thuê 10 nhân viên dọn dẹp, chạy bàn vẫn không kịp phục vụ khách. Khi có dịch, nhân viên ở Thanh Hóa, Nghệ An về quê hết, chỉ còn vợ chồng chị và người thân túc tắc làm.
Tương tự, chị Vũ Thị Trúc, chủ quán cháo ếch tại phố Huế (Hà Nội) chia sẻ, theo quy định, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, quán của chị không có ai đủ điều kiện. “Nhà tôi duy nhất có ông xã là tiêm đủ 2 mũi, mà ông ấy còn đi làm ở công ty. Tôi thì mới tiêm 1 mũi. Tình hình này quán còn phải đóng quán dài”, chị nói.
Theo chị Cúc, nhân viên ở tỉnh đều đã về quê nên khó quay trở lại Hà Nội. Một số nơi đã triển khai tiêm nhưng mới có mũi 1, thậm chí có nơi còn chưa tiêm. Cả ngày hôm nay chị Cúc gọi điện nhân viên cũ khắp các tỉnh để 'cứu viện' nhưng chưa thể có người trong tuần này.
“Ảnh hưởng của dịch, một lượng lớn lao động về quê, không trở lại thành phố, sau này sẽ rất khó thuê nhân viên”, chị lo lắng.
Chị Cúc có hai cơ sở kinh doanh, tổng số nhân viên thời điểm trước dịch bao gồm cả sinh viên làm bán thời gian lên tới 20 người. Mỗi buổi có khoảng 10 nhân viên phục vụ, gọi đồ, dọn dẹp và tính tiền, trông xe,...
Ông Đỗ Văn Thắng, chủ quán cà phê ở Hà Đông, cũng rốt ráo lên các trang tuyển dụng tìm nhân viên. Trước đây, nhân viên của quán đều là sinh viên làm thêm, nhưng hiện nay đối tượng này vẫn nghỉ học, về quê. Trong khi đó, lương làm việc ở quán chỉ 15.000-20.000 đồng/giờ, rất khó thuê nhân viên làm lâu dài.
“Quán mới mở lại, hai vợ chồng vừa bán vừa dọn dẹp, nhưng nếu đông khách thì không ổn. Đấy là mình chỉ bán một nửa công suất theo quy định, nhưng khách mua mang về cũng nhiều nên vợ chồng làm không hết việc”, ông nói.
Trước tình hình kinh doanh còn khó khăn, nhiều quán ăn tiếp tục chọn đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Diệp, chủ quán ăn ở Bách Khoa (Hà Nội) cho hay, với các quy định hiện nay thì khó có thể kinh doanh có lãi. Chi phí tiền nhà, nguyên liệu tăng trong khi nhân viên vẫn chưa đủ điều kiện quay trở lại làm việc. Vì thế, chị chưa mở quán trở lại.
Trước những khó khăn về lực lượng lao động cũng như đảm bảo phòng chống dịch, các chuyên gia cho rằng, việc số hóa tại các quán ăn từ vỉa hè là điều tất yếu. Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills Việt Nam, nhận định, các quán ăn cần tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán, bao gồm giảm số lượng nhân viên làm việc tại cửa hàng, với chương trình huấn luyện đa nhiệm cho mỗi nhân viên để sử dụng nguồn lực nhân sự hiệu quả hơn.
Thu gọn lại diện tích không gian quán chỉ vừa đủ hợp lý, tránh lãng phí không gian và chi phí như trước đây.
Đây là giai đoạn để xác định chiến lược phát triển thận trọng, xây dựng nền tảng và các nguồn lực để tham gia thương mại điện tử sâu sát hơn trên các sàn lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Facebook, Instagram,... để tận dụng lượng khách sẵn có khổng lồ, tìm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Bên cạnh đó, xu hướng thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ, không dùng tiền mặt cũng được phổ biến với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam. Vì vậy, các hộ kinh doanh ăn uống cũng cần tìm hiểu và đầu tư sớm vào các kênh ví điện tử hoặc thẻ để tối đa hóa sự thuận tiện thanh toán cho khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy gần gũi và thoải mái hơn.