Một số lưu ý khi doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng nhanh nhất

Doanh nghiệp có nhu cầu vay được tiền, ngân hàng mong cho vay nhưng để song hành. Làm sao để ngân hàng và doanh nghiệp gặp được nhau là bài toán khó trên thị trường. Hiện các ngân hàng đều xây dựng những tiêu chí riêng để tìm ra khách hàng tốt.

 Một số lưu ý khi doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng nhanh nhất.

Một số lưu ý khi doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng nhanh nhất.

3 vấn khó của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vay ngân hàng

Xuất phát từ thực tế doanh nghiệp tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho thấy đa số doanh nghiệp đều nói đến 3 vấn đề là lãi suất đi vay, thủ tục đi vay, tính hợp pháp của hồ sơ đi vay.

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HanoiSME) chia sẻ tại diễn đàn "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME".

Theo đánh giá của Hiệp hội, hiện có 3 nhóm đối tượng doanh nghiệp trên thị trường. Thứ nhất là doanh nghiệp có quỹ dự phòng lớn, trong giai đoạn Covid-19 diễn ra thì đã có nguồn lực để phục hồi và giữ được thị trường.

Thứ hai là doanh nghiệp mất hoàn toàn không còn thị trường, cực kỳ khó khăn, không có nhu cầu vay vốn. Thứ ba là doanh nghiệp vừa bị thu hẹp nhưng vẫn giữ được đơn hàng, rất cần hỗ trợ để vươn lên phục hồi dần.

Về thủ tục, đại diện HanoiSME cho rằng cần làm chặt chẽ các thủ tục về pháp lý nhưng những thủ tục hành chính thì có thể nới lỏng cho doanh nghiệp

Bà Trịnh Thị Ngân cho rằng: Khi doanh nghiệp có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì chắc chắn ngân hàng sẽ tiếp cận, điều đó không khó. Hiện nay Hiệp hội thường xuyên triển khai những lớp đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, minh bạch về hạch toán sổ sách, quản lý lao động tiền lương…

Ngân hàng xây dựng những tiêu chí riêng để tìm khách

Ngân hàng huy động tiền về thì muốn cho vay ra, không ai mong "cất két". Các ngân hàng đều xây dựng bộ tiêu chí riêng để lựa chọn "chim tốt". Việc trên thị trường các tổ chức tín dụng chọn lựa và cố gắng thu hút các khách hàng có chất lượng tốt là điều giúp cho nền kinh tế và việc thực thi chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đi đúng mục đích và lành mạnh.

Theo ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông: Đầu tiên, doanh nghiệp cần nằm ở trong lĩnh vực kinh doanh và các ngành có mức độ tăng trưởng tốt được Nhà nước và Chính phủ ưu tiên.

Thứ hai, ngân hàng này hướng đến doanh nghiệp có các tiêu chí hoạt động kinh doanh lành mạnh, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh ngành đó. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cũng cần có uy tín tốt, kể cả uy tín về mặt tín dụng lẫn uy tín về trong các tương tác và kết nối với các đối tác trong và ngoài nước đó. Ngân hàng cũng nhìn nhận đến cả khía cạnh phương án kinh doanh của khách hàng có khả thi hay không

Còn tại Agribank, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách Tín dụng cho hay: Xếp hạng khách hàng dựa trên năng lực quản trị, điều hành, quản lý, tài chính, hiệu quả kinh doanh và việc khách hàng thực hiện tốt những thỏa thuận trước đây trong thỏa thuận cấp tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng. Đấy là những tiêu chí cơ bản. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những tiêu chí bổ sung để thể xác định và xếp loại khách hàng.

Bà Trịnh Thị Ngân đánh giá trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều rủi ro nên ngân hàng buộc phải chặt chẽ hơn trong vấn đề thủ tục, sâu sát hơn trong vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Điều này là bình thường.

Đại diện HanoiSME cho biết trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đã chuyển đổi hướng kinh doanh trước những biến động khó lường của thị trường.

Ví dụ có doanh nghiệp chuyên làm về cột thép xuất khẩu và cột sóng sang Myanmar. Công ty này sản xuất kinh doanh rất tốt, một năm có thể đạt vài chục tỷ đồng và xuất khẩu cả sang Úc nhưng giai đoạn Covid-19 đã đình chỉ hết. Thị trường Myanmar cũng bị đóng cửa vì vấn đề nội chiến.

Doanh nghiệp này đổi hướng sang xuất khẩu nông sản. Đây là một ngành hàng rất mới, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, phải đi học hỏi bạn hàng. Trong khi đó, ngân hàng lại là người rất có kinh nghiệm trong vấn đề quản trị các lĩnh vực sản phẩm đa dạng.

Vì vậy, bà Trịnh Thị Ngân đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp như trên chuyển đổi khi có phương án kinh doanh khả thi.

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất khác sẽ có những bước ban đầu không có lợi nhuận, khó có thể trả nợ ngay, có độ trễ. Khi doanh nghiệp chưa bán được hàng thì chưa có dòng tiền trả lãi hàng tháng. Do đó bà Trịnh Thị Ngân đề xuất ngân hàng kiên trì đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mot-so-luu-y-khi-doanh-nghiep-muon-tiep-can-von-vay-ngan-hang-nhanh-nhat-341066.html