Một thoáng văn hóa Mỹ: Lề thói Mỹ
Qua hàng trăm lần chuyện trò, qua kinh nghiệm quan sát ứng xử của người Mỹ, nghiên cứu và suy nghĩ tổng hợp, ông Gary Althen đã biên soạn cuốn American Ways.
Ông Gary Althen là chuyên gia lâu năm về sinh viên nước ngoài ở Trường đại học Iowa. Ông có nhiều kinh nghiệm giả thích lề thói Mỹ không những cho sinh viên nước ngoài, mà cả cho người nhập cư và khách đến Hoa Kỳ. Ông đã từng sống ở nước ngoài khá lâu (đặc biệt ở Indonesia và Peru) để so sánh văn hóa Mỹ với văn hóa nước ngoài.
Qua hàng trăm lần chuyện trò, qua kinh nghiệm quan sát ứng xử của người Mỹ, nghiên cứu và suy nghĩ tổng hợp, ông đã biên soạn cuốn American Ways (Intercultural Press, Inc, Yarmouth Maine 1988) - sách hướng dẫn người ngoại quốc đến Hoa Kỳ.
Tác phẩm nhằm phân tích những đặc điểm của cách ứng xử Mỹ, đồng thời gợi ý những ứng xử phù hợp với môi trường xã hội Mỹ và với người Mỹ ở nước ngoài. Dưới đây, xin tóm lược một số đoạn:
Nhiều người Mỹ tự cho mình là cởi mở, thật thà và khá thân thiện. Hỏi họ câu gì, họ trả lời ngay, không có gì để giấu giếm. Họ không hiểu sao người nước khác lại khó hiểu họ. Dĩ nhiên, loại trừ vấn đề ngôn ngữ. Nhưng thực ra đa số người nước ngoài khó hiểu người Mỹ. Ngay cả khi họ giỏi tiếng Anh, họ cũng cảm thấy ít nhiều khó hiểu, không biết người Mỹ suy nghĩ và có tình cảm gì.
Xin đưa ra một ví dụ chứng minh là có thể do không nắm được động cơ tâm lý xã hội mà người ta đánh giá sai về đạo đức người Mỹ: Ông Apdula, người Ai Cập, sang Mỹ học để thi bằng công trình sư. Ông làm quen với kỹ sư Mỹ Wilson, 49 tuổi, có vợ, một con gái 22 tuổi và một con trai 19 tuổi. Gia đình hiếu khách, lâu lâu lại mời ông Apđula đến ăn cơm hoặc giải trí. Bố ông Wilson mất cách đây hai năm.
Một ngày Chủ nhật, gia đình mời ông bạn mới đến thăm người quả phụ đang ở nhà dưỡng lão. Nhà này khá đông người già ở, người thì nằm trong phòng riêng, người thì lặng lẽ ngồi trong phòng chung, có người chơi bài hay xem vô tuyến. Mẹ ông Wilson tuy già và hơi nặng tai nhưng rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Ông cho biết là ông cố gắng đến thăm mẹ mỗi tuần một lần, nếu bận công việc có khi hai tuần một lần. Vợ ông thỉnh thoảng cùng đi, con cái bận học nên ít khi đi.
Được biết vậy, ông Apdula ngạc nhiên và bất bình. Sao không để cụ sống với gia đình! Có thể ông Apdula đánh giá ông Wilson như thế này: một người ích kỷ, không tròn đạo hiếu, có thể bà cụ bị bệnh gì cần chăm sóc đặc biệt nên không ở nhà được, điều này chưa chắc đúng! Hoặc giả bà vợ ông là người tai quái. Có một lý do về nếp nghĩ Mỹ mà ông Apdula không ngờ tới: người Mỹ được giáo dục từ nhỏ là phải sống độc lập, không phiền lụy ai. Rất có thể là bà cụ thích ở nhà dưỡng lão hơn vì được tự do hơn, không bị mặc cảm là gánh nặng. Ông Apdula đánh giá sai bạn vì áp dụng tiêu chuẩn gia đình Ai Cập.
Đối với tâm lý một dân tộc, khái quát thật là khó, có khi nguy hiểm. Nhất là đối với Mỹ. Sắc tộc Mỹ rất đa dạng, do số dân nhập cư ngày càng tăng, có đủ loại da: trắng, đen, nâu, vàng, đỏ. Tôn giá cũng đủ loại: Thiên chúa giáo, Tân giáo, Do Thái, đạo Hồi, Phật giáo, vật linh, còn có cả vô thần. Có người học cao, có người còn mù chữ. Các màu sắc chính trị rất đa dạng. Với tính chất phức tạp như vậy, ta cần thấy: dưới một số góc độ nào đó, tất cả các loại người đều giống nhau, hoặc từng nhóm người giống nhau, hoặc mỗi người chỉ giống mình… Một người Mỹ có vẻ không ai giống ai; nhưng nếu đem so một nhóm người Mỹ với một nhóm người Nhật sự giống nhau trong mỗi nhóm nổi lên.
“Tính chất Mỹ” chủ yếu áp dụng cho người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, một tầng lớp đã lâu đời từng nắm những vị trí then chốt trong cộng đồng Hoa Kỳ. Họ bao gồm những chính khách, nhà doanh nghiệp, lãnh đạo đại học, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn hàng đầu. Có thể nói “văn hóa Mỹ” mang đậm tính chất của tầng lớp trung lưu da trắng.
Những nguyên nhân gì đã thúc đẩy người Mỹ ứng xử theo cách này mà không theo cách kia như người Trung Quốc hay người Tây Ban Nha. Tìm ra nguyên nhân quyết định cho từng trường hợp là điều không thể làm được. Một số nhà nghiên cứu thường đề ra những yếu tố giải thích văn hóa Mỹ như sau: quá trình diễn biến của lịch sử Mỹ trong thế kỷ XIX, ở một xứ mênh mông biên cương mở ra phía Tây; nguồn gốc dân tộc gốc từ những người phản kháng xã hội về những tầng lớp hạ lưu châu Âu; sự phát triển cao của công nghệ; ảnh hưởng Kito giáo và sự suy thoái của ảnh hưởng này; hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa…
Người Mỹ tự nhìn nhận thế nào về bản thân họ và về văn hóa của họ? Nếu hỏi từng người thì ít người tự nhận là đại diện cho dân tộc Mỹ, vì họ suy nghĩ về họ với tính chất cá nhân. Nhiều người không thích những khái quát về người Mỹ. Nhưng họ lại khái quát rất nhanh về những nhóm cộng đồng ở Mỹ; họ dễ dàng nêu những đắc trưng của người Bắc Mỹ, người Nam Mỹ, người nông thôn và người thành thị, người miền bể và người đất liền, người dân tộc thiểu số, người New York, người California... Bố mẹ, giáo viên, sách học nhà trường, báo chí… đã dần dần tạo ra quan niệm của người Mỹ về người nước ngoài, do đó tự nhiên họ nhận thức bản thân họ.
“Người Mỹ thường tin đất nước họ là một nước thượng đẳng, rất có thể là nước “vĩ đại” nhất thế giới. Tin là đất nước mình hơn, dĩ nhiên người Mỹ nhiều khi coi những nước khác kém… Khách nước ngoài nhiều khi thấy người Mỹ nói chung trịch thượng, coi họ ít (hoặc nhiều) như trẻ con, ít từng trải và có thể là thông minh hạn chế.
Người ta lưu ý rất đúng cho khách nước ngoài nhớ là người Mỹ đối xử với họ như những con người loại kém không phải do ác ý hay do cố tình. Họ ứng xử như vậy vì họ được dạy dỗ hành động như vậy”. Cũng có ngoại lệ đối với những người Mỹ ra nước ngoài nhiều hay tiếp xúc nhiều với nước ngoài. Người Mỹ tôn trọng những nhà văn Anh, những nhà khoa học Đức, những võ sư Triều Tiên, những vận động viên chạy người Kenya…
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-thoang-van-hoa-my-le-thoi-my-258819.html