Một vị tướng, một Tỉnh đội trưởng đầu tiên của Gia Lai

Những ký ức, những câu chuyện kể về một thời chiến đấu ác liệt dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của người chiến sĩ cách mạng luôn có nếp sống giản dị, liêm khiết, đạm bạc với cái tâm trong sáng, thanh cao. Cả cuộc đời dành trọn để cống hiến, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ông đã trở thành huyền thoại trong ký ức của bao thế hệ quân và dân Gia Lai. Ông là Kpă Thìn (BơHâm) một vị tướng, một Tỉnh đội trưởng đầu tiên, lâu nhất của Tỉnh đội Gia Lai.

Người con ưu tú của Tây Nguyên

Gia Lai, trong kháng chiến, cùng với anh hùng Núp, anh hùng Wừu… đã có biết bao người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên đã tự nguyện đến với cách mạng. Trong những tấm gương tiêu biểu đó có Thiếu tướng Kpă Thìn, được quân-dân Gia Lai quen gọi với cái tên thân mật là BơHâm, người có thâm niên hơn 30 năm làm Tỉnh đội trưởng, Tỉnh đội Gia Lai, ông luôn được đồng chí, đồng đội, đồng bào và thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ hôm nay nhắc đến với lòng khâm phục và kính trọng.

Thiếu tướng Kpă Thìn, người dân tộc Jrai, sinh năm 1925, tại xã Ia Trôk, huyện Ayun Pa, Gia Lai. Cha mẹ mất sớm, với tính ham học, mặc dù thời Pháp lúc bấy giờ ở quê không có trường học, ông phải sang Đắk Lắk học. Phong trào cách mạng bùng nổ, ông tình nguyện tham gia cách mạng vào năm 1945 trong đội thanh niên cứu quốc huyện Cheo Reo, rồi trở thành người chiến sĩ của Trung đoàn 120.

 Chân dung Thiếu tướng Kpă Thìn. Ảnh tư liệu

Chân dung Thiếu tướng Kpă Thìn. Ảnh tư liệu

Năm 1961, ông cùng với một số con em các dân tộc Tây Nguyên sau những năm tập kết ra miền Bắc và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào trở về. Được đưa về Gia Lai, Kpă Thìn nhanh chóng giúp tỉnh kiện toàn cơ quan Tỉnh đội, tăng cường huấn luyện, chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương. Năm ấy, Gia Lai tổ chức thành lập 3 đại đội là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh trong thời kỳ chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và thành lập các đơn vị trinh sát, công binh, chuyên môn kỹ thuật… Để kịp thời kiện toàn Ban chỉ huy Tỉnh đội, Kpă Thìn được cử làm Tỉnh đội trưởng.

Với quá trình 47 năm phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, từ cương vị người chiến sĩ đến người sĩ quan chỉ huy cao nhất của LLVT tỉnh Gia Lai ông luôn là một người đức độ, tài năng, liêm khiết, tác phong chỉ huy cương quyết và có mưu tài chiến lược. Cuộc sống đời thường luôn giản dị, chất phác, yêu thương đồng chí, đồng đội. Cả cuộc đời ông đã gắn bó, dành trọn cho nhân dân, cho Tổ quốc. Luôn được quân và dân trong tỉnh kính phục, yêu mến. Năm 1984 ông được phong quân hàm Thiếu tướng, đến năm 1992, ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho nghỉ hưu. Trở về với đời thường, ông là một người chồng, người cha mẫu mực dạy dỗ các con trưởng thành và trở thành những đứa con có ích cho xã hội. Căn nhà cấp 4 được cấp khi còn công tác, về hưu ông cũng trả lại cho Nhà nước để về quê vợ vui sống cùng dân làng mà không một chút đắn đo, suy nghĩ.

Vị tướng trong lòng đồng đội

Năm 1998, sau 6 năm được nghỉ hưu, Thiếu tướng Kpă Thìn đã mãi mãi rời xa chúng ta sau một căn bệnh hiểm nghèo, nhưng những ký ức, những câu chuyện kể về một thời chiến đấu dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của ông vẫn còn đó để suốt đời vang vọng mãi. Với cả một kho tình cảm sâu nặng trong những năm tháng chiến đấu, những ngày đêm nếm mật, nằm gai, vào sinh ra tử, hay những buổi sinh hoạt, những chuyến công tác cùng ông của những người đồng đội cho đến nay vẫn còn in đậm trong trái tim của mỗi người.

Thiếu tướng Kpă Thìn, hạ mệnh lệnh chống địch lấn chiếm (tháng 1-1973). Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Kpă Thìn, hạ mệnh lệnh chống địch lấn chiếm (tháng 1-1973). Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) một lão thành cách mạng, nguyên 20 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai tâm sự: “Tôi và anh BơHâm vừa là người bạn thân, vừa là người đồng đội, trong quan hệ công tác tôi hiểu rất kỹ về anh. Năm 1954, Trung đoàn 120 tập kết ra Bắc tôi mới gặp lại anh ở Đảng ủy Trung đoàn. Rồi sau đó vài năm chúng tôi chia tay nhau vào chiến trường chiến đấu… Đến năm 1976 về Gia Lai chúng tôi gặp lại nhau ở Tỉnh đội, tôi nói bây giờ mình cùng cấp, không ai lãnh đạo ai cả, mà chúng ta phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng giao, anh phải làm sao xây dựng LLVT Gia Lai có tính chiến đấu cao và trình độ chính trị vững vàng. Phải khẳng định rằng, công lao mà anh BơHâm đóng góp cho phong trào của tỉnh, mà trước hết cho LLVT tỉnh trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy là rất lớn. Trong chiến đấu cũng như trong công tác anh là người trung thành, thẳng thắn, có nhiều quyết đoán đúng, lại rất sáng tạo, gần gũi với đồng chí, đồng đội. Chính vì vậy anh đã tạo được niềm tin tuyệt đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương, với quần chúng nhân dân”.

Cựu chiến binh (CCB), Đại tá Phan Anh Tuấn (85 tuổi), nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, người đã từng công tác cùng Thiếu tướng Kpă Thìn gần 30 năm cho biết: “Anh BơHâm là một vị tướng tài trong mưu lược, nghiêm túc trong chiến đấu, tác phong chỉ huy dứt khoát, một là một, hai là hai nhưng ngoài đời rất gần gũi, khiêm tốn, thân thiết cởi mở và thương yêu cấp dưới lắm. Anh sống rất dân chủ, đoàn kết, không bao giờ có tính phân biệt Kinh, Thượng cho nên trong quá trình anh làm Tỉnh đội trưởng trên, dưới ai cũng kính trọng. Kể cả các đồng chí cán bộ cấp cao từ đơn vị khác chuyển về Tỉnh đội công tác là cấp dưới của anh đều rất tôn trọng và hài lòng với cách đối xử, chỉ huy của anh…”.

Còn CCB, Đại tá Lâm Huế (87 tuổi) khi gặp chúng tôi đã không ngớt lời ca ngợi: “Tôi làm “phó” cho anh BơHâm cũng khá lâu, tôi rất hiểu tính cách của anh. Anh là người dân tộc nhưng sống chan hòa với đồng chí, đồng đội lắm. Còn trong chỉ huy anh rất tài tình, toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ huy nên hiệu quả của công tác quân sự địa phương trong chiến tranh đánh Mỹ rất cao. Chúng tôi rất kính nể anh và có thể nói anh là người chỉ huy rất chững chạc, thận trọng, có nhiều quyết đoán chính xác trong các chiến dịch. Trong thời kỳ kháng chiến, mệnh lệnh của cấp trên, của Bộ Tư lệnh mặt trận B3, của Quân khu ủy, Tỉnh ủy chỉ là nghị quyết, mệnh lệnh nhưng anh đã chấp hành rất nghiêm và bàn bạc, thống nhất với chúng tôi biến những cái đó thành những đợt tác chiến như đánh địch trên đường19 cũng như công tác giành dân phá ấp chiến lược, giành chính quyền cho từng Khu ở tỉnh Gia Lai. Do đó, khi bàn công việc, anh luôn nhắc đến mệnh lệnh cấp trên, ý định của cấp trên, nghị quyết của Đảng ủy, từ đó chúng tôi phổ biến đến cấp dưới thực hiện đạt kết quả cao”. “Đặc biệt, là một vị tướng nhưng chúng tôi rất khâm phục anh đó là chưa bao giờ anh nề hà bất cứ chuyện gì, kể cả chuyện ăn uống. Đến bữa, chỉ cần có được gô cơm, ít muối ớt hoặc cá khô là được. Hơn nữa, tuy anh là người dân tộc nhưng anh lại không uống rượu, hút thuốc lá như những người khác” - Đại tá Lâm Huế tâm sự.

47 năm trong quân ngũ, hơn 30 năm là Tỉnh đội trưởng, Thiếu tướng Kpă Thìn với tên gọi thân mật BơHâm - một con người được giác ngộ cách mạng từ nhỏ, trọn cả cuộc đời hết lòng hết sức vì việc công, không vun vén tư lợi cá nhân. Một vị tướng khi trở về với cuộc sống đời thường, có nếp sống đạm bạc, thanh cao, cái tâm trong sáng, sự liêm khiết của Thiếu tướng Kpă Thìn có sức lan tỏa, thức tỉnh lòng người. Ông đã trở thành huyền thoại trong ký ức của bao thế hệ quân và dân Gia Lai.

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/mot-vi-tuong-mot-tinh-doi-truong-dau-tien-cua-gia-lai-743440