Múa rối tìm cách thoát khỏi lối mòn
Trong sự phát triển của sân khấu thủ đô và những năm gần đây, nghệ thuật múa rối đã có nhiều đóng góp tích cực. Tuy nhiên, theo NSƯT Đăng Tiến- nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Múa rối Thăng Long thì trong quá trình hội nhập và phát triển múa rối Thủ đô đang bộc lộ những mặt hạn chế và đang đi theo những lối mòn xưa cũ.
Múa rối nước dân gian Việt Nam có hàng trăm trò. Ngoài 17 trò đã khai thác còn rất nhiều trò kì lạ trong “mỏ vàng” của cha ông để lại chưa được phục dựng. Đành rằng khách quốc tế rất yêu mến rối nước nhưng chương trình cổ truyền không thể cứ diễn đi diễn lại ngày này qua tháng nọ. Chưa kể đến sự phát triển không kiểm soát được chất lượng nghệ thuật của các trung tâm mang danh hoạt động nghệ thuật nhưng chỉ đặt nặng vào kinh doanh thì đến lúc múa rối nước Việt Nam sẽ bớt đi “lấp lánh” trong con mắt khán giả quốc tế.
Với Nhà hát Múa rối Thăng Long được xây dựng trong những năm 90 của thế kỉ trước, nay đã như chiếc áo chật cho một cơ thể phát triển. Với lượng khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng tăng, với số ghế chỉ 300 chỗ, rạp rối có lúc quá tải. Nhiều đoàn khách vì thời gian được sắp xếp từ trước, chỉ xem vào 1 ngày, giờ duy nhất nên phải chấp nhận đến địa điểm khác mặc dù họ biết rằng nơi đó không phải sân khấu rối chuyên nghiệp. Việc địa điểm chật hẹp không có sân khấu rối cạn cố định nên nhiều chương trình rối cạn vốn đã nghèo nàn trang thiết bị kĩ thuật lại chẳng có đất để dàn dựng nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nghệ thuật.
Bên cạnh đó, thành phần khán giả, người xem vẫn là điều đáng băn khoăn. Từ chục năm nay đối tượng người xem múa rối nước khách quốc tế chiếm tới 95%. Khách đông đều từ khắp các châu lục đó là điều phấn khởi nhưng nếu thế giới có nhiều biến động như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiên tai là ảnh hưởng ngay đến số lượng khách. Các dịch H5N1, SARS xảy ra trước đây đã là những bài học nhãn tiền. Tuy vậy việc xây dựng chiến lược nuôi dưỡng, phát triển lực lượng khán giả trong nước dường như ít được chú trọng, làm cho bài bản.
Từ những nhận định trên có thể thấy để phát triển nghệ thuật múa rối Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu các trò rối nước dân gian còn lưu truyền ở các phường rối Hà Nội như Đào Thục, Thạch Thất, Tế Tiêu. Bởi thực tế, tại các phường này hiện nay còn rất ít các cụ biết và giữ được bí kíp trò diễn. Nên chăng có sự đầu tư tiền bạc, động viên thăm hỏi tinh thần để các cụ nhiệt tình hướng dẫn truyền nghề. Nhiều cụ đã cao tuổi như ngọn đèn dầu trước gió nếu chẳng may quy tiên thì trò diễn sẽ thất truyền mãi mãi. Nhà hát Múa rối Thăng Long trong khả năng của mình có thể tài trợ kết hợp với Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức các liên hoan múa rối nước cổ truyền dân gian. Có các phường rối nước thuộc địa bàn Hà Nội và mời thêm các phường khác ở lưu vực châu thổ sông Hồng tham dự để qua đó học hỏi, tiếp thu nhiều trò diễn độc đáo, áp dụng sáng tạo cho Nhà hát. Có định hướng, mục tiêu cụ thể trong việc dàn dựng các chương trình rối cạn với đề tài đa dạng từ cổ tích dân gian, ngụ ngôn đến đề tài đương đại. Bằng nhiều hình thức phong phú của nghệ thuật rối dây, rối bong bóng, rối mặt nạ, rối sân khấu đen… Tránh xây dựng các chương trình xa lạ với múa rối như biểu diễn thời trang áo dài, người mẫu…
Đặc biệt với múa rối Hà Nội cần có kế hoạch phát triển múa rối học đường tạo nguồn khán giả. Bởi hiện nay trong khối trường tiểu học, mẫu giáo nhất là trường tư thục, các hoạt động văn nghệ rất được coi trọng. Có thể liên kết với họ để tổ chức ngoại khóa đưa các cháu đến tham quan phòng truyền thống, xưởng chế tác tạo hình con rối, trực tiếp hướng dẫn các cô giáo với các cháu cách làm con rối đơn giản, cách chuyển thể một bài giảng thành một tiết mục rối ngộ nghĩnh sinh động, những việc làm đó sẽ kích thích sự hứng thú, tò mò, tạo sự yêu mến với nghệ thuật rối.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/mua-roi-tim-cach-thoat-khoi-loi-mon-tintuc453902