Mức vay vốn tạo việc làm được nâng lên gấp đôi
Từ ngày 8-11, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (Nghị định 74) ngày 23-9-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những quy định mới của Nghị định 74, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Huỳnh Công Nam cho biết:
Theo Nghị định 74, mức vay vốn được nâng lên gấp đôi so với quy định trước đây. Đây là tin vui đối với người lao động cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tạo việc làm, tăng cơ hội sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, nhanh chóng.
* Theo Nghị định 74, đối tượng nào được vay vốn hỗ trợ việc làm và mức vay cụ thể được tính như thế nào, thưa ông?
- Đối tượng vay vốn theo chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là người lao động; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cở sở sản xuất, kinh doanh).
Theo Nghị định 74, người lao động được vay mức tối đa là 100 triệu đồng/người (mức cũ, tối đa là 50 triệu đồng/người). Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mức cũ tối đa 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng/người).
Ngoài ra, Nghị định 74 cũng quy định mức cho vay cụ thể sẽ do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
* Ngoài mức vay vốn được nâng lên gấp đôi thì quy định thời hạn vay và điều kiện đảm bảo tiền vay trong Nghị định 74 có thay đổi gì so với các quy định trước đây hay không?
- Thời hạn vay vốn tối đa được nâng lên đến 120 tháng (mức cũ tối đa không quá 60 tháng). Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Lãi suất vay vốn, tăng lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động thông thường chỉ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo trước đây (6,6%/năm). Theo Nghị định 74 thì mức lãi suất cho vay tính bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%/năm). Riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.
* Điều kiện vay vốn theo chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được quy định cụ thể ra sao, thưa ông?
Từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai đã cho vay vốn hỗ trợ việc làm với số tiền hơn 192 tỷ đồng với hơn 5,7 ngàn hộ vay, tạo việc làm cho gần 8,5 ngàn người, mức cho vay bình quân 33,2 triệu đồng/hộ.
- Đối với người lao động phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc, cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được thành lập và hoạt động hợp pháp; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định. Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án. Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ sở sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số thì phải có danh sách lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số, bản sao giấy xác nhận khuyết tật của những người lao động là người khuyết tật do UBND cấp xã cấp, bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của những người lao động là người dân tộc thiểu số và bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động trong danh sách…
* Ông đánh giá thế nào về việc nâng mức vay đối với người lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh được quy định trong Nghị định 74?
- Với mức vay vốn tạo việc làm được nâng lên gấp đôi như hiện nay, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân lúc thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, việc nâng mức cho vay sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay “tín dụng đen” như hiện nay.
Để nhiều người dân biết được các quy định mới này, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai đang tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Nghị định 74 để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngày càng tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)