Mưu sinh chiều cuối năm

Trên mọi ngả đường, khi những cành đào khoe sắc, những cây quất trĩu quả chín báo hiệu Xuân đã về. Đâu đó, trên mỗi ngõ ngách của phố phường Hà Nội, vẫn có những người phụ nữ ở lại bám trụ thành phố, mưu sinh để mong kiếm thêm thu nhập, lo cho gia đình có một cái Tết đầy đủ và ấm cúng.

Dù đã là ngày cận Tết nhưng chị Nguyễn Thị Hoa ở Xuân Trường, Nam Định cùng chiếc xe đạp cũ gắn bó với chị hơn 10 năm qua, rong ruổi qua nhiều ngõ, ngách mua đồng nát. Hôm nay thật là một ngày may mắn, vừa mới sáng ra, chiếc xe đạp của chị đã chất đầy bìa carton, giấy vụn, chai lọ nhựa,…

Buộc chỗ đồng nát thu mua được lên xe, chị Hoa hồ hởi kể: “Những ngày bình thường, hôm nào may mắn tôi kiếm được 100 - 120 nghìn đồng. Trong khi thời điểm cận Tết, mỗi ngày có thể kiếm được 200 nghìn đồng; Có hôm thu nhập khá hơn lên tới 400 – 500 nghìn đồng. Vì thế, những người đi mua đồng nát như chúng tôi ai nấy đều tranh thủ đi sớm, về muộn để kiếm thêm bù cho những ngày ế ẩm”.

Chị nhớ nhất vào thời điểm hai năm dịch bệnh, chẳng thể đi kiếm tiền lo cho cuộc sống hàng ngày và gửi tiền về cho con ăn học.

“Tôi phải sống nhờ vào những đợt từ thiện, trợ cấp của các tổ chức từ thiện, của địa phương nơi thuê trọ. Biết là cuộc sống rất cực nhưng tôi nán lại thành phố, kiếm sống gửi tiền về cho chồng mua thuốc chữa bệnh và nuôi hai con đang tuổi ăn học”, chị Hoa nhớ lại. “Ở Nam Định cũng có khu công nghiệp và rất nhiều công ty tuyển dụng lao động, nhưng vì chồng và bản thân tôi bị đau ốm thường xuyên nên tôi quyết định gắn bó với công việc mua đồng nát, không bị bó buộc về thời gian, lúc mệt hay ốm tôi hoàn toàn có thể tự nghỉ ở nhà. Thu nhập từ cái nghề này mỗi tháng cũng cóp nhặt được 4 - 5 triệu đồng”.

Thường thì “đi đồng nát” đến 25, 26 tháng Chạp là bạn chợ đi với chị đã nghỉ để về quê. Thế nhưng chị Hoa vẫn nán lại để kiếm thêm từ công việc dọn nhà. Đi đồng nát lại được chủ nhà trả thêm nếu làm việc dọn dẹp. Thế là tuy làm mệt nhưng thu nhập của chị Hoa lại tăng thêm. Cứ 100 - 120 ngàn/giờ, mỗi nhà lau dọn trung bình khoảng 3 - 4 tiếng, một ngày khéo dọn cũng được 4 nhà. Ngót nghét từ 25 tháng Chạp đến 30 Tết, chị cũng giắt lưng được chục triệu về quê. Cầm quyển lịch vẫn thơm mùi giấy mới mà gia chủ thuê dọn nhà vừa tặng, chị Hoa bùi ngùi: “Quyển lịch này chắc phải đợi đến khi nào về quê mới treo lên được, cũng bỏ mất mấy chục tờ”.

Cũng giống như chị Hoa, chị Nguyễn Thị Thành gắn bó với công việc này đã 15 năm. Ðồ nghề của chị là một chiếc xe đạp cũ, vài bao tải cũ được cột vào yên xe, một chiếc cân và có thêm đôi thùng để chị lượm đồ ăn thừa của các gia đình mang đi bán. Len lỏi vào từng ngõ, ngách của các khu phố ngày giáp Tết, thu mua phế liệu từ sáng sớm cho đến tận tối mịt mới về, sự nhọc nhằn khiến chị Thành già hơn nhiều so với tuổi 40 của mình.

“Nghề này cũng giống như đi câu ấy. Hôm mua được nhiều, hôm được ít hoặc về không. Vì thế ngày giáp Tết, tần suất tôi đi qua các ngõ nhiều hơn để gom nhặt. Hôm nào không mua được gì, tôi chuyển sang dọn dẹp nhà, chẳng ai làm nghề này mà về nhà tay trắng".

Vì thế mà 29 Tết, chị Thành vẫn nán lại Hà Nội để kiếm thêm nghề dọn nhà. Những ngày này, trên xe của chị có đôi găng tay, chổi cán dài, để sẵn sàng chuyển sang công việc mới. Sau 4 - 5 giờ dọn nhà, cộng với đồ đạc, phế liệu chị bán đi cũng có một khoản tiền kha khá.

Quần áo cũ gia chủ mang cho vẫn còn đẹp và xịn lắm. Lựa những chiếc áo, đôi giày cũ của người thành phố cũng là món quà cho các con chị diện Tết. Chị gửi đồ về quê qua bạn chợ để mọi người ở nhà có Tết. Tết này chị ở lại Hà Nội đến chiều mùng 3.

“Có một khách quen ở chung cư gọi dọn nhà và mong muốn chị ở lại ăn Tết cùng bà mẹ cho vui mấy ngày Tết. Bởi vì gia đình cô chủ về quê chồng ăn Tết hết cả”, chị Thành cho biết.

Cam kết với chủ nhà mùng 3 Tết hóa vàng xong là chị Thành về quê, nhưng 3 ngày ăn Tết nhà người của chị Thành cũng bằng cả tháng đi thu mua đồng nát. Âu cũng vì mong muốn cho một năm no ấm chứ thời buổi khó khăn này, như lời chị Thành “bình thường kiếm sao ra ngần ấy được!”

Chiều cuối năm, gặp mảnh đời mưu sinh “sang” hơn những chị mua đồng nát - anh Nguyễn Văn Hải quê ở Trực Ninh, Nam Định với phương tiện là xe máy, chằng buộc phía sau xe một chiếc ắc quy nhỏ, đầu xe là một cái loa. Anh đi đến đâu tiếng loa phát ra âm âm đến đó “tủ lạnh, ắc quy hỏng, quạt bán đi”.

Địa bàn thu mua không bó hẹp nên anh phiêu du khắp các quận ở Hà Nội như Cầu Giấy, Hà Đông… đi qua nhiều khu tập thể, khu phố. Tinh mắt, có kiến thức và hiểu về đồ điện để phân loại, cuối năm cứ tà tà trên phố, lựa mua đồ cũ, đồ hỏng, định được giá rẻ, anh bán đi chênh lệch cũng được thêm chút đỉnh.

“Mua đồ điện cũ cũng phải lựa chọn kĩ, nếu là quạt phải cuốn nhiều dây đồng. Những chiếc điện thoại còn nhiều linh kiện tốt, tôi bán cho các cửa hàng sửa chữa điện thoại. Những chiếc hỏng nhiều, cửa hàng không mua, tôi bán cho các bãi đồng nát. Có những đồ cũ nhưng chủ nhà không để ý về giá trị của sản phẩm, tôi mua lại, bán cũng được một khoản khá khá. Thu nhập mỗi tháng từ việc mua đồ điện cũ tôi cũng có 7 - 8 triệu đồng/tháng. Đối với người dân nông thôn như chúng tôi, số tiền này giải quyết được rất nhiều việc, lo cho con cái học hành, dành dụm, trang trải cuộc sống gia đình”, anh Hải kể. Anh Hải dướn đi chợ nốt ngày cùng tháng tận của năm, kiếm thêm cặp bánh chưng và cành đào, rồi trưa chiều 30 Tết đổ đầy bình xăng, phóng xe máy về Nam Định.

Ngày giáp Tết, người dân tấp nập đi sắm tết, ở nhiều góc phố vẫn thấy bóng dáng của những người đánh giày thuê chăm chỉ, miệt mài làm mới những đôi giày.

Tỉ mỉ cọ rửa, lau chùi, phủ xi, tay trái cầm chiếc giày, tay phải cầm bàn chải lia đi lia lại một cách thuần thục và điệu nghệ, anh Nguyễn Văn Ngọc 22 tuổi, quê Thanh Hóa co người trong những cơn gió lạnh vỉa hè trên phố. Ngày hôm nay, anh đánh 30 nghìn một đôi giày, vậy mà khách gọi đánh không xuể. "Khách bận đi làm đến hôm nay mới được nghỉ. Trông dễ thế thôi nhưng phải phân biệt từng loại, giày nào xi ấy, cách đánh, cách pha và sử dụng dung dịch. Hỏng của khách thì cũng đền ốm", vừa thoăn thoắt chải bóng giày cho khách, anh Hải vừa chia sẻ.

Gần 6 năm làm nghề, công việc khiến anh phải giao tiếp với nhiều đối tượng khách và không ít lần chạnh lòng vì phải nghe những lời xúc phạm. Trải qua nhiều, dần dần anh Ngọc cũng học cách nhẫn nhịn.

Vất vả nhưng bù lại kiếm tiền những ngày này cũng khá lắm. Ngày thường anh Ngọc đánh 10 -15 nghìn đồng/đôi, ngày Tết thì tăng gấp đôi. Trung bình ngày cận Tết, anh Ngọc thu nhập vài ba triệu. Tết này anh Ngọc không về quê. "Người nhà cứ giục có về không nhưng em không về, cứ không phải lo về tiền thì mới là Tết được".

Khác với anh Ngọc chỉ phục vụ khách ở một điểm cố định, anh Hoàng và anh Minh cơ động hơn, kết hợp thành nhóm: người chào mời khách, người đánh giày. Ngoài việc chọn chỗ ngồi gần cửa hàng bún cá trên phố Nguyễn Khuyến, Hà Đông, hai anh còn đi các lối ngõ, khu chung cư.

“Những ngày cuối năm mọi thứ đều tăng nhưng tôi không tăng giá, làm thật cẩn thận để lần sau khách vẫn nhớ đến”, anh Hoàng chia sẻ.

Cũng như những nghề khác, nghề đánh giày của anh Hoàng và anh Minh có nhiều “đối thủ” cạnh tranh. Vì thế, các anh cũng có cách riêng để tạo uy tín và giữ chân khách. Nhờ tính cẩn thận cộng thêm cái tính cần cù và khéo léo mà khách của 2 anh rất đông. Ngoài khách quen ở các quán ăn, cà phê, trà đá, các anh còn đến tận nhà riêng đánh giày khi khách “ruột” gọi điện.

"Ngày cuối năm, khách đông hơn nhiều, tôi làm liên tục không nghỉ lúc nào!" – Anh Hoàng cho hay.

Chiều cuối năm với mọi người là đào, là quất, là bánh chưng, nhưng với hai anh, Tết vẫn gói gọn trong một cái túi đồ nghề: mấy hộp xi với đầy đủ các màu đen, trắng, nâu; hai bàn chải đánh giày và đánh bóng, vải da và miếng đánh bóng, một lọ cồn nhỏ, một chai dung dịch được pha từ nước rửa bát, thuốc tẩy, vài đôi dép và khoảng chục đôi lót giày mới phòng khi khách cần mua…

Với những người lao động mưu sinh ngày cuối năm như chị Hoa, chị Thành, anh Ngọc, anh Hoàng... Tết không tính bằng ngày mà Tết chỉ thực sự đến khi trong túi có đồng ra đồng vào để xóa bớt những nét ưu tư trên những khuôn mặt chất chứa bao nhọc nhằn. Tết có thể đến vào chiều 30, nhưng Tết có thể đến vào mùng 3, mùng 5, mùng 10 Tết – là khi họ được về nhà, con cái họ có thêm bộ đồ mới, mâm cơm gia đình có thêm khoanh giò, thịt cá, vậy là Xuân mới đủ đầy, ấm áp và yêu thương.

Bài và ảnh: Bích Thảo

Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/muu-sinh-chieu-cuoi-nam-151181.htm