Mỹ lo ngại ngư lôi tự hành Poseidon của Nga có thể gây ra sóng thần
Ngư lôi tự hành mang đầu đạn hạt nhân Poseidon có phạm vi gần như không giới hạn nhờ năng lượng cung cấp từ lò phản ứng hạt nhân tích hợp, có thể tiếp cận các thành phố ven biển Hoa Kỳ, gây sóng thần từ vụ nổ cực mạnh có sức công phá 100 megaton, mạnh hơn 3.000 lần 2 quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản.
Christopher Ford, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến hạt nhân, cho biết, Hoa Kỳ có lý do để bận tâm về chính sách răn đe hạt nhân của Nga, quốc gia đã tuyên bố sẽ đáp trả bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong “tình huống khẩn cấp”, theo Sputnik.
Một trong những vũ khí của Nga mà Mỹ e ngại, từng nhiều lần được giới chức nước này lưu ý là ngư lôi tự hành Poseidon, hay tàu ngầm (mini) không người lái, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nhờ trang bị lò phản ứng hạt nhân, phạm vi của Poseidon gần như không giới hạn, có thể xuyên qua đại dương gây vụ nổ cực mạnh, làm ngập các thành phố ven biển của Mỹ với sóng thần phóng xạ.
Ông Ford cũng lưu ý Mỹ lo ngại hệ thống trả đũa hạt nhân có từ Liên Xô Perimeter được phương Tây gọi là "Dead Hand" (Bàn tay Thần chết), được Nga kế thừa, có thể vẫn còn hoạt động.
Poseidon (Thần biển) là một trong số các loại vũ khí chiến lược mới nhất của Nga, bao gồm các tổ hợp siêu thanh Kinzhal, Avangard, Burevestnik, hệ thống laser quân sự Peresvet, được Tổng thống Liên Vladimir Putin công bố trước Quốc hội Nga ngày 1/3/2018.
Ngư lôi tự hành Poseidon còn có tên mã là Status-6 của Nga và Kanyon của NATO, được cho là đã thử nghiệm vào ngày 27/11/2015 trong một hoạt động bí mật. Trong khi một cuộc thử nghiệm đã được tình báo Hoa Kỳ phát hiện vào ngày 27/11/2016, khi ngư lôi Status-6 được phóng từ tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel Sarov.
Trong nhiều năm, Poseidon là chủ đề của tin đồn và sự hoài nghi. Mãi đến năm 2016, các báo cáo của Lầu Năm Góc đã xác nhận sự tồn tại của ngư lôi tối mật này.
Tháng 3/2018, Tổng thống Nga Putin đã công khai một video 3D về Poseidon với biệt danh vũ khí Ngày tận thế; đồng thời tiết lộ nó có khả năng di chuyển ở độ sâu lớn và phạm vi liên lục địa với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ của tàu ngầm, hay ngư lôi tiên tiến nhất. Poseidon chạy êm, khả năng cơ động cao và thực tế là bất khả xâm phạm đối với kẻ thù. “Các phương tiện có thể chống lại chúng, cho đến nay trên thế giới đơn giản là không tồn tại.”, ông Putin tuyên bố.
Trong khi đó, Perimeter là hệ thống đảm bảo đòn trả đũa để đối đầu với đòn đánh theo học thuyết giáng đòn "chặt đầu" của Mỹ.
Từ năm 1985, Liên Xô chính thức triển khai hệ thống Perimeter. Theo Sputnik, đến nay, Perimeter đã được thử nghiệm và nâng cấp nhiều lần, hiện là một trong những yếu tố giúp ngăn chặn khả năng xảy ra chiến tranh thế giới III.
Theo Sputnik, trên thực tế, đây là một hệ thống với mạng lưới liên lạc thay thế của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga. Một hệ thống bí mật và đáng tin cậy không thể bị vô hiệu hóa. Perimeter được bảo vệ vững chắc khỏi những kẻ phá hoại, thiên tai và các yếu tố gây hại của vụ nổ hạt nhân.
Vào mùa hè năm 1995, dưới áp lực của Hiệp ước START-1, Nga đã phải chấm dứt trạng thái trực chiến của hệ thống Perimeter. Tuy nhiên, tháng 12/2011, Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, Đại tá Sergei Karakayev đã thông báo, hệ thống Perimeter được tái trực chiến. Sputnik lưu ý, ngoài Poseidon và Hệ thống đa nhiệm trên đại dương Status-6 với đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên tới 100 megaton, Nga còn nhiều loại vũ khí và kỹ thuật quân sự uy lực khác không được công bố rộng rãi.