Mỹ nghi ngờ 'Bàn tay thần chết' Nga vẫn hoạt động
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa lên tiếng lo ngại về sự nguy hiểm của loạt vũ khí tối tân Nga, trong đó có ngư lôi Poseidon và 'Bàn tay thần chết'.
Ông Christopher Ford, Trợ lý Ngoại trưởng về An ninh Quốc tế và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết Mỹ "có lý do để e ngại" về chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Bởi Moscow đã nói rằng họ có thể "đáp trả bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn diện nếu nhìn thấy một tên lửa đạn đạo đang bay đến gần".
Trợ lý Christopher Ford cũng lưu ý rằng, hiện Mỹ đang rất lo ngại hệ thống trả đũa hạt nhân của Nga Perimeter thường được phương Tây gọi là "Bàn tay thần chết" không những vẫn còn hoạt động ở Nga mà nó còn đang được nâng cấp.
Cùng với tuyên bố của ông Ford, tờ The Daily Star cũng cho rằng, với sự tồn tại của Perimeter, Mỹ sẽ không dám động binh trước với Nga dù trong bất kỳ trường hợp nào bởi Moscow.
Báo Anh cho biết, Perimeter - một tổ hợp hoàn toàn tự động dành cho kiểm soát cuộc tấn công hạt nhân khổng lồ, do Liên Xô thiết kế trong Chiến tranh Lạnh nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng vệ cuối cùng dành cho kẻ xâm lược.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về giải trừ vũ khí hạt nhân, ông Bruce Blair, khẳng định hệ thống vẫn hoạt động và thậm chí được Nga hiện đại hóa. Chuyên gia này thừa nhận, sự tồn tại của Perimeter đã góp phần giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
"Sự tồn tại hệ thống Perimeter đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ suy nghĩ hai lần trước áp dụng vũ khí hạt nhân. Bởi nếu Perimeter bị tấn công bởi không gian mạng, thì nó sẽ gây ra một mối đe dọa đối với an ninh thế giới", ông Bruce Blair nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, có nhiều yếu tố khiến Mỹ không dám phát động tấn công trước nhằm vào Nga dù họ có Đòn tấn công nhanh toàn cầu.
Có rất nhiều điều buộc người Mỹ phải cân nhắc. Bởi vì đòn tấn công toàn cầu về mặt lý thuyết thì rất ưu việt, thậm chí đã qua thử nghiệm thành công. Nhưng ai mà biết được trên thực tế mọi việc sẽ diễn ra như thế nào?!.
Và nếu như không thể đánh chặn được tất cả các tên lửa của Nga – vì một lý do gì đó. Và nếu như các tên lửa bị đánh chặn rơi xuống lãnh thổ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu?
Có nghĩa là đòn tấn công toàn cầu sẽ biến thành cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực tiêu diệt lẫn nhau, và trong cuộc chiến tranh đó sẽ không có người chiến thắng.
Các nhà lãnh đạo Mỹ có tư duy tỉnh táo đều hiểu điều đó, và cũng như Tổng thống V.Putin, họ sẽ không làm cho tình hình nóng quá ngưỡng giới hạn (vạch đỏ).
Ngoài những lý do khiến Mỹ chưa vượt qua vạch đỏ như đã nói ở trên, theo vị chuyên gia này, nguyên nhân quan trọng hơn cả đó là Mỹ không dám thử thách với hệ thống Perimeter của Nga.
Ngay trước khi báo Anh đưa ra nhận định về Perimeter, tờ Russia and India Report cũng đã có bài viết cho rằng, nhân tố lớn nhất có thể ngăn chặn cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3 chính là Perimeter.
Hệ thống Perimeter đã được đưa vào trực chiến từ tháng 1/1985. Kể từ đó đến nay hệ thống này đã được nâng cấp một số lần, hiện nay các ICBM hiện đại được sử dụng như tên lửa chỉ huy. Điểm quan trọng của hệ thống trên là các tên lửa đạn đạo chỉ huy.
Thay vì bay thẳng tới mục tiêu kẻ địch, chúng bay qua bầu trời nước Nga, và thay vì các đầu đạn nhiệt hạch, chúng mang các thiết bị phát sóng có thể gửi lệnh phóng tới rất cả các tên lửa chiến đấu tại hầm phóng, hay gắn trên máy bay, tàu ngầm và các đơn vị di động trên bộ.
Hệ thống này hoạt động theo cơ chế tự động gần như hoàn toàn. Quyết định phóng một tên lửa chỉ huy cũng được đưa ra bởi một hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động, đây là một tổ hợp trinh sát nhân tạo phức tạp.
Nó tiếp nhận và phân tích hàng loạt các thông tin về hoạt động địa chấn và phóng xạ, áp suất không khí, mật độ tín hiệu của các tần số sóng radio quân sự. Nó kiểm soát các phép đo từ các trạm quan sát của lực lượng tên lửa chiến lược và dữ liệu từ các hệ thống cảnh báo sớm (EWS).
Khi phát hiện ra một điểm có sự i-on hóa mạnh cùng với bức xạ sóng điện từ, hệ thống sẽ so sánh với các dữ liệu địa chấn bất ổn tại chính khu vực đó, quyết định xem có tiến hành đòn tấn công quân sự tổng lực hay không.
Trong trường hợp này, "vành đai" Perimeter sẽ tự khởi động đòn đáp trả. Một tình huống khác đặt ra là nếu như lãnh đạo cấp cao nhận được thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm cho thấy các quốc gia khác đã phóng tên lửa, họ cũng kích hoạt Perimeter.
Nếu như lệnh hủy bỏ không được đưa ra trong một khoảng thời gian nhất định, thì hệ thống sẽ phóng các tên lửa. Cơ chế này đã loại bỏ nhân tố con người để đảm bảo rằng sẽ có một cuộc trả đũa hạt nhân thậm chí cả khi tổ chỉ huy và phóng tên lửa đã bị hủy hoại hoàn toàn.
Trong thời bình, Perimeter nằm im, tuy nhiên vẫn tiếp tục phân tích các thông tin nhận được. Khi nó được đặt trong tình trạng báo động cao hoặc khi tiếp nhận một tín hiệu cảnh báo từ EWS, lực lượng chiến lược hoặc những hệ thống khác, một mạng lưới cảm biến giám sát sẽ được phóng đi để xác định tín hiệu của các vụ nổ hạt nhân.
Các lãnh đạo Nga đã không ngừng đảm bảo với những chính phủ nước ngoài rằng sẽ không có rủi ro về một lần phóng tên lửa ngoài mong đợi hoặc không được phép. Trước khi phóng, Perimeter kiểm tra đủ 4 điều kiện.
Thứ nhất là liệu rằng có một cuộc tấn công hạt nhân vừa diễn ra hay không, sau đó là kiểm tra đường dẫn liên lạc với Bộ tổng tham mưu. Nếu đường dẫn vẫn hoạt động, hệ thống sẽ đóng lại. Nếu Bộ Tổng tham mưu trưởng không phản hồi, Perimeter sẽ gửi một yêu cầu tới Kazbek (hệ thống liên lạc đặc biệt bao gồm cả dây cáp, sóng radio và sóng vệ tinh nhân tạo).
Nếu như cũng không nhận được phản hồi, các thông tin tình báo nhân tạo sẽ cho phép bất kì cá nhân nào trong nhóm chỉ huy quyền đưa ra quyết định. Và chỉ sau đó nó mới thực hiện hành động.