Mỹ nữ cuối cùng của núi rừng đeo hoa tai bằng ngà voi
Tục căng dái tai để đeo đồ trang sức như tre nứa, ngà voi... đã từng tồn tại lâu đời với người Brâu ở tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, tục đeo trang sức này đã mờ nhạt dần theo thời gian. Hiện nay, ở mảnh đất này chỉ còn lại một cụ già duy nhất còn lưu giữ tập tục này.
Rùng mình tục căng dái tai
Theo ông Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), trên địa bàn xã hiện có khoảng gần 600 người Brâu tập trung sinh sống. Trước đây, ở xã có nhiều cụ già đeo khuyên tai bằng ngà voi theo phong tục xưa, nhưng bây giờ thì không còn nữa vì quan điểm thẩm mỹ của thời đại ngày nay đã khác, cộng thêm ngà voi ngày càng khan hiếm nên không có để đeo.
“Thời điểm nhiều nhất có khoảng 20 cụ già người Brâu đeo khuyên tai bằng ngà voi. Nhưng cách đây mấy năm, họ về Campuchia sống và không quay lại địa phương nữa. Một số cụ do tuổi già sức yếu đã qua đời đi.
Hiện chỉ còn cụ Y Bế (82 tuổi, ngụ làng Đăk Mế) có đôi hoa tai bằng ngà voi rất đẹp nhưng cụ cũng ít khi đeo, mà thường cất đi để dành khi nào có những dịp quan trọng trong làng, trong gia đình dòng họ mới lấy ra đeo”, ông Cường cho biết.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến làng Đăk Mế và gặp được Trưởng làng Thao Lợi. Ngồi trò chuyện, ông bảo: “Có được đôi hoa tai ngà voi là điều vô cùng quý giá và tự hào nên phụ nữ người Brâu thường cất giữ chúng rất kỹ.
Đặc biệt họ không bao giờ có ý định muốn bán đi hay trao đổi đồ trang sức này với ai. Họ quan niệm, nếu bán là có tội với ông bà, tổ tiên, sẽ bị Yàng (ông Trời) phạt nặng và hiện chỉ có cụ Y Bế là còn đôi hoa tai này”.
Nói rồi, ông Lợi dẫn chúng tôi đến nhà cụ Y Bế. Trước hiên nhà, cụ Y Bế hồ hởi kể chúng tôi nghe về tục căng dái tai của đồng bào Brâu nơi đây. Theo đó, người Brâu quan niệm lỗ tai phải to rộng, dái tai phải dài mới là tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp. Nhất là đối với phụ nữ, họ coi đây như là một tiêu chí để đánh giá lười biếng hay chịu thương chịu khó, nếu lỗ tai căng to thì chứng tỏ người đó siêng năng, chăm chỉ.
“Để có dái tai như vậy phải trải qua một thời gian dài. Lúc đầu phải dùng gai cây chanh để xỏ lỗ tai. Gai cây chanh để nguyên mũi nhọn chỉ cạo sạch vỏ, dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xỏ lỗ tai.
Phải xỏ ngay chính giữa dái tai, nếu không xỏ vào chính giữa, sau này tai căng ra không được to. Xỏ gai nhọn xuyên qua xong, cứ để nguyên cây gai dính vào tai, mỗi ngày phải tiếp tục rửa tai bằng nước sôi nấu gừng.
Khi tai hết chảy máu và vết thương đã lành lặn thì bắt đầu vặn cây gai cho vào dần, mỗi ngày chỉ vặn một lần cho đến khi đầu to cây gai lọt qua được. Khi đầu to của cây lọt qua lại tiếp tục làm cây khác lớn hơn. Cứ như thế, lỗ tai ngày càng căng to ra”, cụ Y Bế cho biết.
Cụ Y Bế bảo, có người cố căng lỗ tai cho to làm dây tai bị đứt. Khi đứt phải nối lại rất khó khăn. Chỉ có một số ít người biết nối dây tai. Người ta nối dây tai bằng cách dùng dao thật bén rạch xé hai đầu dây tai.
Sau đó, đem hai mối dây dái tai đã rạch ghép lại với nhau, lấy sợi chỉ quấn lại, dùng nước sôi nấu gừng rửa hàng ngày, cứ để vậy cả tháng là lành và vài tháng sau có thể đeo vòng trở lại được. Vòng tai sau khi được nối lành không được căng thêm nữa, mà chỉ đeo những vật nhẹ.
Đeo hoa tai phân biệt giàu nghèo
Những người giàu có thường đeo cặp hoa tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi hoa tai, kéo đôi tai dài đến tận gò má, đôi khi gần đến vai. Đặc biệt, khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, đi dự lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng.
“Trước đây, nhìn đôi hoa tai và lỗ tai có thể biết được chủ nhân của nó là người giàu hay nghèo, sang hay hèn. Người giàu thì đeo ngà voi, còn người nghèo thì chỉ đeo khúc tre hoặc đeo đôi ngà voi giả. Chiếc ngà giả làm bằng củ mì phơi khô, nhìn đằng xa cũng giống ngà thật”, cụ Y Bế cho biết.
Theo cụ Y Bế, người Brâu chỉ đeo hoa tai những lúc rảnh rỗi, lúc làm việc trong nhà, khi đi đường hoặc lúc dự lễ hội buôn làng. Khi lao động nương rẫy nặng nhọc phải tháo ra cất. Lúc đi vệ sinh hay đi tắm suối cũng không được đeo.
Những chiếc ngà voi, những chiếc vòng đeo tai hàng ngày phải được rửa sạch và đánh bóng. Khi đánh bóng, lau chùi, người ta không được để nguyên trên lỗ tai mà phải tháo xuống vì luật tục có quy định làm đứt dây tai phải đền một con voi.
“Hoa tai bằng ngà voi rất đắt giá. Một đôi hoa tai bằng ngà voi trước đây có giá trị tương đương với một bộ cồng chiêng, rẻ nhất cũng phải đến 15 triệu đồng. Đôi hoa tai bằng ngà voi là trang sức đẹp nhất mà bất cứ một phụ nữ Brâu nào cũng ao ước được đeo, nhưng ngày nay trang sức bằng ngà voi rất hiếm hoặc không còn nữa nên sau này phụ nữ đeo khuyên tai bình thường như người Kinh”, cụ Y Bế cho biết.
Theo Trưởng làng Thao Lợi, việc đeo khuyên tai bằng ngà voi dù biết là đẹp nhưng quá cầu kỳ, phức tạp và khổ sở. Hơn nữa, ngày nay ngà voi vô cùng khan hiếm nên hầu như người Brâu không giữ phong tục căng tai hay đeo khuyên tai bằng ngà voi nữa.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất tự hào về phong tục này và cụ Y Bế là niềm tự hào của chúng tôi, bởi cụ còn lưu giữ đôi hoa tai bằng ngà voi rất đẹp. Cụ chính là người cuối cùng còn giữ lại phong tục đeo khuyên tai bằng ngà voi và giữ sứ mệnh lịch sử của dân tộc Brâu”, ông Lợi nói đầy tự hào.