Nâng chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông sản

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan, các chủ thể sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã tập trung xây dựng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Từ đó, thu hút sự quan tâm của khách hàng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan, các chủ thể sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã tập trung xây dựng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Từ đó, thu hút sự quan tâm của khách hàng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm măng chua thái sẵn đóng lon của Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm măng chua thái sẵn đóng lon của Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hợp tác xã (HTX) Green Life, xóm Thượng Tiến, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) hiện hoạt động ổn định với sản lượng mật ong đạt khoảng 15.000 lít mỗi năm, tổng thu nhập đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm. Sản phẩm mật ong của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sắp tới, hướng đến xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Vương quốc Anh. Cùng với tập trung nâng cao chất lượng mật ong, quy trình sản xuất, HTX cũng cải tiến mẫu mã đóng gói cho sản phẩm.

Anh Đinh Công Thuần, Giám đốc HTX Green Life cho biết: Để chất lượng sản phẩm mật ong Thượng Tiến đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ cho xuất khẩu, HTX đã đưa vào sử dụng hệ thống chiết rót tự động, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hệ thống sẽ giúp nâng cao độ chính xác và đồng nhất trong quá trình chiết rót, đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất; tăng năng suất lao động và quan trọng là giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trong quá trình chiết rót, đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, với mỗi sản phẩm được đóng lọ thủy tinh hướng tới xuất khẩu, HTX được Công ty cổ phần R.Y.B và một số đơn vị có liên quan hướng dẫn, cải tiến tem nhãn dán lên sản phẩm để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Nhằm hỗ trợ các đơn vị, HTX sản xuất, chế biến nông sản, thời gian qua, nhiều chương trình, dự án, chính sách được các ngành, các cấp lồng ghép để hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm, như thiết kế lại mẫu mã bao bì và tem OCOP; xây dựng kế hoạch phát triển, nâng sao cho sản phẩm nông sản, OCOP, tiến tới xuất khẩu; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc; xây dựng điểm bán hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản, OCOP, Website thương mại điện tử; áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc... Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tổ chức 7 hội nghị, lớp tập huấn về lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Cùng với đó, hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 53 cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm thủy sản; cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu cho các vùng trồng mận, bưởi sang thị trường EU, Hoa Kỳ, New Zealand và cấp 1 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 6 mã số vùng trồng nội địa đối tượng cây trồng thanh long, bưởi, cam, bí xanh với diện tích 16,35ha.

Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới mở rộng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn để đề xuất hỗ trợ cho 27 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP. Rà soát, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về ATTP đối với các xã về đích nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao năm 2024. Hoạt động quảng bá sản phẩm tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, có 77 doanh nghiệp, HTX với 360 sản phẩm đã tham gia quảng bá. 50 lượt doanh nghiệp, HTX được giới thiệu, kết nối tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước...

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2024, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai hướng dẫn các xã về đích NTM hoàn thiện các tiêu chí về ATTP, trong đó có việc ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT. Đến nay các đơn vị đã triển khai hướng dẫn cho gần 10.000 đơn vị tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Hiện, toàn tỉnh có trên 150 sản phẩm được công nhận OCOP 3 - 4 sao. Góp phần thực hiện mục tiêu về xuất khẩu nông sản của năm, cùng với hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị, những tháng cuối năm, Chi cục tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản. Trong đó, quan tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết, sản xuất thực phẩm an toàn; kết nối doanh nghiệp trong chuỗi tham gia các hội chợ; tuần lễ, diễn đàn giới thiệu nông sản an toàn; tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho các cơ sở trồng trọt; cơ sở đóng gói sản phẩm để phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, tăng cường giám sát chất lượng ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc để xử lý vi phạm xảy ra theo quy định của pháp luật, kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng về các sản phẩm và cơ sở vi phạm về ATTP.

Hải Đăng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/194182/nang-chat-luong,-tang-tinh-canh-tranh-cho-san-pham-nong-san.htm