Nâng tầm sản phẩm chè Việt Nam
'Sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao', Diễn đàn quy tụ hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia, doanh nghiệp chè, đã được tổ chức ngày 5/11, tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI, thị xã Phú Thọ).
Nỗi niềm “Vàng xanh” của Việt Nam
Ngành chè Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như “vàng xanh” của đất nước, mang tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống quý báu.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị tổ chức Diễn đàn, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka. Nguyên nhân chính là chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu chè (xuất khẩu tới hơn 74 quốc gia và vùng lãnh thổ). Theo Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có 122.000ha chè với năng xuất khoảng 1,125 triệu tấn, và ngành chè có tới 6 triệu người đến từ 35 tỉnh thành (cả trực tiếp và gián tiếp) tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Năm ngoái, chè xuất khẩu đạt 121.000 tấn (trị giá 211 triệu USD), trong khi chè xanh tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 1/3 khối lượng so với chè xuất khẩu nhưng trị giá cao hơn (325 triệu USD). Tuy nhiên theo ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, giá chè xuất khẩu của chúng ta hiện thấp hơn mức chung trên thế giới, nhưng chè trong nước thì lại cao hơn.
Việt Nam rất có tiềm năng chè, song dường như chúng ta đang rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới, và nước ngoài tìm đến Việt Nam như một thị trường giá rẻ để kiếm lợi nhuận. “Đã có cả chuyện doanh nghiệp chè trong nước dìm nhau khi bán chè cho thương lái nước ngoài”, ông Long nói. “Nếu chúng ta không liên kết nhau, không cải tiến chất lượng chè, doanh nghiệp không vào cuộc với địa phương tạo nên một thương hiệu mạnh, thì rất khó thoát bẫy giá rẻ”, ông Long khẳng định.
Con đường mang tên “chất lượng”
Theo ông Đoàn Anh Tuân, Tổng Giám đốc Công ty chè Thế hệ mới, đơn vị có doanh thu tới 1.200 tỷ đồng/năm, thì cây chè hiện không còn ở vị thế xóa đói giảm nghèo, mà đã là cây làm giầu. Chè Thế hệ mới hoàn toàn không hóa chất nên bán sang châu Âu rất thuận lợi. Chè được trồng hữu cơ, hái bằng máy, chế biến sản lượng lớn, chứ không sản xuất và thu hái thủ công.
Ônh Tuân lấy ví dụ chè Shan tuyết Hà Giang, Suối Giàng, Tủa Chùa rất quý và có thể bán giá rất cao nếu rơi vào thương lái Trung Quốc (lên tới hàng chục ngàn USD/kg), trong khi chúng ta chỉ bán từ 1 triệu đến vài triệu đồng/kg. Đặc biệt trên thế giới không có nơi nào có văn hóa ướp chè sen như ở Việt Nam - sản phẩm này có thể bán giá cực cao khi đưa ra thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó. Hiện chè có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng, tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.
Sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến với đầu tư công nghệ cao là một giải pháp thiết yếu.
Ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin, sản phẩm chè cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.
Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có phương án quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do Nhà nước ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
Hiện Bộ NN-PTNT đã cấp phép trên 260 thương phẩm thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Với thành phẩm đầu ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm chè.
Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Gỡ khó về nguồn lực và giống
Bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, tỉnh còn số lượng cơ sở chế biến chè theo quy mô nhỏ tương đối lớn, khiến việc đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh Bắc Trung bộ cũng băn khoăn về bộ giống chè, bởi tập quán sử dụng giống PH1 từ lâu.
Nghệ An có hơn 8.000ha trồng chè, và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích chè VietGAP của Nghệ An chỉ khoảng vài chục hecta, diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ thậm chí còn thấp hơn.
Giá trị cây chè Nghệ An khá thua thiệt. Nếu như, giá chè búp của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg chè búp tươi, thì ở Nghệ An giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
“Những địa phương sản xuất chè đều mong mỏi Bộ NN-PTNT cùng chung trên 1 con tàu lớn, cùng chở quốc bảo chè của Việt Nam ra thế giới”, bà Nhung nói.
Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, tỉnh này có trên 10.500ha chè, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Tỉnh hỗ trợ bà con 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỷ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến. Nhưng Lai Châu chỉ có cơ sở chè quy mô nhỏ, sản phẩm dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp. Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới, khuyến nghị tỉnh nên có kế hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán nguồn lực vào nông hộ có quy mô quá nhỏ.
Giai đoạn 2019 - 2023, công tác nghiên cứu về cây chè được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai với tổng kinh phí 55 tỷ đồng, cho ra bộ giống chè mới gồm 16 giống chè và đang được áp dụng trên hàng ngàn hecta chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
TS Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho biết đã phát triển thành công và công nhận hai giống chè mới là Hương Bắc Sơn và TRI5.0, TRI5.0, PH12, PH14, LP18, TC4, LCT1… đều được đánh giá là những giống chè sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt.
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, khẳng định sản phẩm chè cao cấp luôn được gắn với giống. Giống chè Hương Bắc Sơn đã được chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc) mà Viện mời về đánh giá cao vì chất lượng tuyệt vời.
Ông Nguyễn Quốc An, Phó Tổng giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, phân bón cho cây chè là một trong những ưu tiên của Cty, với 4 sản phẩm chứa vi sinh có khả năng đối kháng với các loại vi nấm, vi sinh vật gây bệnh. Cây chè áp dụng giải pháp trên phát triển tốt, khỏe mạnh, ra búp nhanh và mập; sản phẩm chè có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sạch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-tam-san-pham-che-viet-nam-10293836.html