Nên bổ sung Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân

Chiều 25.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đề nghị 2 phương án cho mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (Điều 20), một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị quy định Văn phòng công chứng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân trên phạm vi cả nước hoặc được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty TNHH.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Công chứng hiện hành và dự thảo Luật đều không quy định về mô hình tổ chức Văn phòng công chứng là công ty TNHH hay có thành viên góp vốn trong công ty hợp danh do công chứng là dịch vụ công cơ bản, nghề bổ trợ tư pháp nên có đặc thù riêng, không khuyến khích mục tiêu kinh doanh chỉ để thu lợi nhuận mà tập trung vào việc hành nghề công chứng của các thành viên hợp danh và chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên này đối với hoạt động công chứng do mình thực hiện.

Qua thảo luận, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phương án 1: Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh các Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, Văn phòng công chứng còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Ưu điểm của phương án này là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển Văn phòng công chứng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, mô hình này có hạn chế là khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục.

 Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành do có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định trong tổ chức và hoạt động của các Văn phòng công chứng, phù hợp với tính chất dịch vụ công chứng là dịch vụ công cơ bản nên cần bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ. Hạn chế của phương án này là Văn phòng công chứng đòi hỏi phải có tối thiểu 2 công chứng viên hợp danh, dẫn đến khó khăn do nguồn bổ sung còn hạn chế…

Bảo đảm sự phục vụ công chứng trên diện rộng

Đa số các ĐBQH tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đồng tình với việc xác định công chứng là dịch vụ công cơ bản, có mục đích bảo đảm an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa tranh chấp cho các bên tham gia giao dịch. Trong trường hợp người dân có nhu cầu về công chứng, được tiếp cận một cách dễ dàng nhất đối với dịch vụ này thì đây là một trong những biện pháp để phòng ngừa rủi ro và tranh chấp trong xã hội.

 ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), đa số ĐBQH tán thành với Phương án 1. Theo đó, bên cạnh các Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

 ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu), phương án này mang tính linh hoạt hơn, cho phép lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, đối với các khu vực có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập và hoạt động của các Văn phòng công chứng. Điều này giúp bảo đảm sự phục vụ công chứng trên diện rộng và có thể điều chỉnh theo nhu cầu của từng khu vực, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng nêu rõ.

 ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng lựa chọn phương án 1, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị, cần làm rõ thêm thế nào là mật độ dân số thấp; thế nào là cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, có thể giao cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh quy định cụ thể về nội dung này để tránh trường hợp các văn phòng công chứng hiện nay đang hoạt động theo loại mô hình hợp danh xin chuyển đổi sang loại mô hình doanh nghiệp tư nhân sau khi luật có hiệu lực thi hành, dẫn đến là khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nen-bo-sung-van-phong-cong-chung-duoc-to-chuc-theo-loai-hinh-doanh-nghiep-tu-nhan-post394370.html