Nên hay không giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết? | Hà Nội tin mỗi chiều
Nên hay không giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết; Mỗi ngày, 31 người từ vòng vì tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Nên hay không giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết
Bạn có con ở tuổi đến trường, bạn có từng xót xa khi thấy con mình cặm cụi làm bài trong khi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi. Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Với kỳ nghỉ này, có nên giao bài tập về nhà cho học sinh hay không?
Học sinh Trường Marie Curie, Hà Nội, có một người thầy hiệu trưởng rất tâm lý. Trong thư gửi học sinh, thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang viết: "Thay mặt các thầy cô giáo, tôi đã hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân dịp Tết Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình".
Sau khi đưa lên mạng xã hội, thư ngỏ của thầy Khang được đông đảo phụ huynh, học sinh ủng hộ. Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, sau một học kỳ, Tết là dịp để học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không cần giao bài tập để học sinh được thoải mái vui chơi, tham gia các hoạt động cùng gia đình. Trường Marie Cuire nhiều năm nay đã quán triệt thầy cô không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Trước khi học sinh nghỉ tết, thầy cô nhắc nhở, khuyến khích các em tham gia phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, trò chuyện nhiều hơn với người thân để gắn kết tình cảm.
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay, quan điểm của ngành giáo dục là các dịp lễ, tết, mùa hè, học sinh phải được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. Khi đầu óc thư giãn, được nghỉ ngơi, thì tiếp nhận kiến thức mới sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn nếu cứ học nhồi nhét, quá tải, đầu óc khó minh mẫn.
Với học sinh, khi được hỏi có muốn giáo viên giao bài tập về nhà làm trong thời gian nghỉ tết hay không, hầu hết các em đều trả lời muốn được vui chơi thoải mái.
Khi một số phụ huynh, giáo viên lo ngại cho con chơi tự do trong kỳ nghỉ sẽ làm kiến thức rơi rụng, nhiều hiệu trưởng cho biết, tuần đầu tiên khi học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ dành để ổn định, củng cố, nhắc lại kiến thức cho học sinh. Một vài bài tập ngày tết cũng không khiến học sinh học giỏi hơn. Điều quan trọng là làm sao để học trò thích học, vui khi trở lại với việc học.
Không có quy định nào về giao hay không giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ. Quan điểm chung là cần để học sinh có một kỳ nghỉ trọn vẹn, không bị áp lực với bài tập về nhà. Nhưng cũng cần có hoạt động để kích hoạt trạng thái học tập vui vẻ, nhẹ nhàng, đòi hỏi trẻ phải quan sát, cảm nhận, rèn kỹ năng. Trao cho học sinh những bài học mang giá trị giáo dục thiết thực, tạo niềm vui cho con trẻ, đó mới là niềm vui ngày Tết.
Mỗi ngày, 31 người tử vong vì tai nạn giao thông
Theo thống kê, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông trong tháng 1/2024 là gần 1000 người, trung bình mỗi ngày có 31 người tử vong vì tai nạn giao thông. Con số này của năm 2022 là 17 người, năm 2023 là 19 người. Như vậy, số người chết vì tai nạn giao thông đang chiều hướng gia tăng.
Một con số đáng buồn nữa, 70% số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông trong độ tuổi lao động. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông hằng năm cướp đi của nền kinh tế Việt Nam khoảng 2,5% tổng GDP. Một phần nguyên nhân của sự thiệt hại khủng khiếp này là do nhiều nam giới là trụ cột kinh tế của gia đình, xã hội bị tai nạn giao thông.
Theo ông Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn phức tạp. Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra rất lớn. Vẫn còn có tình trạng cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, việc thực thi pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
Nhiều năm gắn bó với công tác bảo đảm an toàn giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng an toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, tai nạn giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân, như hạ tầng, phương tiện, con người, trong đó nguyên nhân do con người là chủ yếu. Vì vậy, để đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông, rất cần một loạt giải pháp đồng bộ từ quy hoạch giao thông, đầu tư hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, siết chặt công tác đào tạo - sát hạch lái xe, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông không từ một ai. Ngày tết đang gần kề, để giảm những hậu quả đáng tiếc đó, mỗi người khi điều khiển phương tiện giao thông cần duy trì sự tập trung, lái xe với tốc độ phù hợp, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, rèn luyện những kỹ năng cần thiết để lái xe an toàn, đặc biệt là hình thành thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe. Để hướng đến một xã hội văn minh, thì văn hóa giao thông cần được phát huy./.