Nga dần thế chỗ Mỹ trên thị trường vũ khí ở Trung Đông-Bắc Phi
Doanh số bán hàng tăng giúp Nga thu được nguồn ngoại tệ, gia tăng được ảnh hưởng địa chính trị, với các khách hàng như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria.
Năm năm sau thời điểm trở lại Trung Đông thông qua bước đệm là một căn cứ quân sự ở Syria, Nga dần chiếm lĩnh thị trường vũ khí ở khu vực này, với nhiều hợp đồng thương mại quân sự ký với những khách hàng truyền thống. Tiền thu được cùng với ảnh hưởng địa chính trị ngày một lớn từ hợp tác quân sự là nhân tố giúp Moskva thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.
Mới đây, Nga chính thức công bố thông tin đã chuyển giao cho Ai Cập 5 tiêm kích đa năng Su-35, nằm trong bản hợp đồng đặt mua 24 chiếc trước đó. Ai Cập tìm đến Nga bất chấp việc bị Mỹ đe dọa trừng phạt, sau khi Washington từ chối bán cho Cairo tiêm kích thế hệ thứ năm F-35.
Từ năm 1979-2010, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ai Cập, với tổng trị giá vượt 80 tỉ USD, thực hiện trong khuôn khổ trợ giúp quân sự và kinh tế. Nhưng tình hình thay đổi vào năm 2011, thời điểm tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất. Mỹ dừng viện trợ vũ khí, do lo sợ Ai Cập gây đe dọa tới Israel.
Cách tiếp cận của Mỹ không thay đổi sau khi tướng Abdel Fattah el-Sisi tiến hành cuộc chính biến, loại trừ Tổng thống Mohamed Morsi và lên nắm quyền vào năm 2013, thực hiện các bước đi mạnh tay nhằm vào phong trào Anh em Hồi giáo. Lấy cớ Cairo “vi phạm nhân quyền”, Washington cắt viện trợ quân sự cho Ai Cập trong 2 năm, với trị giá 1,3 tỉ USD/năm.
Giới chức Ai Cập cho biết ông Donald Trump từng cam kết sẽ bán cho Cairo 20 tiêm kích F-35 khi ông gặp với Tổng thống el-Sisi bên lề phiên họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York vào tháng 9/2018. Nhưng sau đó tổng thống Mỹ đã từ bỏ ý định này.
Cùng lúc, Washington dường như đã tìm được “người bạn mới” ở Trung Đông thế chỗ cho Ai Cập, đó là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chính quyền ông Trump cuối năm 2020 từng thông báo trước Quốc hội kế hoạch bán cho UAE 50 chiếc F-35, với tổng trị giá lên đến 10,4 tỉ USD, ngay sau khi UAE và Israel ký thỏa thuận hòa bình.
Trong khoảng thời gian đó, Nga đã tận dụng cơ hội để mở sáng kiến ngoại giao mới với Ai Cập và trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho quốc gia Bắc Phi này. Năm 2014, Ai Cập ký với Nga thỏa thuận trị giá 3,5 tỉ USD, đặt mua 46 trực thăng tấn công Ka-52 và 46 tiêm kích MiG-29. Đến năm 2019, chính quyền Tổng thống el-Sisi tiếp tục ký thỏa thuận mua tiêm kích Su-35 của Nga, trị giá 2 tỉ USD.
Algeria, khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga ở vùng Trung Đông-Bắc Phi, cũng sắp nhận được lô hàng 14 tiêm kích hạng nhẹ Sukhoi-34. Algeria cũng được cho là đang quan tâm nhiều đến mẫu máy bay tiêm kích Su-57 thế hệ mới. Quốc gia Bắc Phi này hiện chi 15,5% GDP cho quốc phòng và không giấu tham vọng về địa chính trị ở vùng Địa Trung Hải dựa trên sức mạnh quân sự đến từ vũ khí Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, đang đàm phán với Nga để đặt mua Su-35 và cả loại siêu tiêm kích S-57, một động thái cũng xuất hiện sau khi Mỹ từ chối cung cấp cho Ankara mẫu tiêm kích đa nhiệm F-35. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng thảo luận với đồng cấp người Nga Vladimir Putin về hợp đồng này tại một cuộc triển lãm hàng không ở Moskva hồi năm 2019.
Iran, một khách hàng nhập khẩu vũ khí truyền thống của Nga từ thời Quốc vương Shah, không phải do dự nhiều trong việc tìm kiếm nguồn cung từ Moskva. Lý do là lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc chống Tehran kéo dài 10 năm đã hết hạn vào tháng 10/2020.
Về phần mình, Nga không ngừng quảng bá, xuất khẩu vũ khí, bởi đây được coi là một nguồn thu ngoại tệ chính. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI), thị phần vũ khí của Nga trên toàn cầu đạt 21% trong giai đoạn 2015-2019, đưa Nga trở thành nhà vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.