Ngắm quy trình chế biến cá cơm thành nước mắm Nam Ô trứ danh

Với nước mắm Nam Ô nức tiếng là sản vật tiến vua thời trước, cùng các giá trị văn hóa độc đáo, làng nghề nay trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 Nghệ nhân làng nghề nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) đong cá chuẩn bị cho mẻ mắm mới

Nghệ nhân làng nghề nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) đong cá chuẩn bị cho mẻ mắm mới

Làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được hình thành đầu thế kỷ XX, từ một làng chài nhỏ nép bên cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân. Từ lâu, nước mắm Nam Ô đã là đặc sản có tiếng trên thị trường nội địa và ở nhiều nước.

Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu nước mắm Nam Ô chính ở công thức chế biến lâu đời, cùng kỹ thuật muối mắm tận tâm của người dân làng chài, đã đưa nước mắm Nam Ô nức tiếng gần xa và trở thành sản vật tiến vua từ xưa.

Những con cá cơm than đánh bắt vào tháng ba âm lịch, được người dân làng nghề Nam Ô lựa chọn, muối bằng các chum làm từ gỗ mít và chắt lọc bằng chuộc tre cật… đã cho ra một thứ nước mắm tinh chất, thơm đậm.

Theo các nghệ nhân của làng nghề, sự khác biệt của nước mắm Nam Ô là kỹ thuật chọn cá, rồi công đoạn trộn muối sao cho cá thấm muối thật đều, không bị nát, xếp từ từ từng lượt vào chum vại, đựng cá muối… cho đến quy trình đảo mắm, lọc mắm, mới có thể cho ra những giọt mắm sậm đỏ màu cánh gián, mùi thơm lan tỏa hấp dẫn.

Trải qua thăng trầm, làng nghề nước mắm Nam Ô không còn được sầm uất như trước, nhưng có sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, làng nghề đã dần được khôi phục và phát triển trở lại.

Hội tụ đầy đủ nét văn hóa ẩm thực, cùng nghề truyền thống lâu đời của người dân, làng nước mắm Nam Ô đã được công nhận làng nghề truyền thống và nước mắm Nam Ô đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Năm 2019, làng nghề nước nắm Nam Ô đã vinh dự được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bên cạnh những giá trị văn hóa làng nghề, làng nước nắm Nam Ô còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử lâu đời như: lăng Ông nghề cá (thờ cá Voi) được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802), đền thờ bà Liễu Hạnh, mộ Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, giếng Chăm… đã tạo dựng cho làng nước mắm Nam Ô những giá trị mà hiếm làng nghề nào có được.

Với những giá trị độc đáo đó, làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành địa danh du lịch của Đà Nẵng, đón hàng vạn du khách đến thăm quan và xuất đi ngàn ngàn lít nước mắm mỗi năm.

VietTimes xin gửi đến bạn đọc những hình ảnh về làng nghề nước mắm Nam Ô, cùng quy trình chế biến con cá cơm trở thành thứ nước mắm xứ Quảng trứ danh (Ảnh Diệp Trần):

Làng Nam Ô nhìn từ trên cao

Làng Nam Ô nhìn từ trên cao

Gánh cá về làng

Gánh cá về làng

Cá cơm được rửa sạch bằng nước biển

Cá cơm được rửa sạch bằng nước biển

Nghệ nhân làng nghề đong cá chuẩn bị muối mắm

Nghệ nhân làng nghề đong cá chuẩn bị muối mắm

Muối cá

Muối cá

Đảo mắm

Đảo mắm

Những giọt nước mắm Nam Ô trứ danh

Những giọt nước mắm Nam Ô trứ danh

Nước mắm Nam Ô được đóng chai và xuất đi muôn nơi

Nước mắm Nam Ô được đóng chai và xuất đi muôn nơi

Nước mắm làng cổ Nam Ô

Nước mắm làng cổ Nam Ô

Rành đá làng Nam Ô, một điểm du lịch hấp dẫn du khách

Rành đá làng Nam Ô, một điểm du lịch hấp dẫn du khách

Lăng Ông (thờ cá voi) trong giai đoạn tu bổ, bảo tồn

Lăng Ông (thờ cá voi) trong giai đoạn tu bổ, bảo tồn

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/anh-ngam-quy-trinh-che-bien-ca-com-thanh-nuoc-mam-nam-o-tru-danh-post164376.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi