Ngành giáo dục chủ động bắt nhịp chuyển đổi số

Thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ số, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý và hoạt động dạy học, qua đó phát huy những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục, đào tạo.

Học sinh khối 10 Trường THPT Hoàng Văn Thụ làm thủ tục lấy dấu vân tay phục vụ điểm danh điện tử tại trường

Học sinh khối 10 Trường THPT Hoàng Văn Thụ làm thủ tục lấy dấu vân tay phục vụ điểm danh điện tử tại trường

Những năm qua, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đã làm thay đổi nhiều mặt của công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo thống kê toàn tỉnh hiện có 660 trường học từ mầm non đến trường chuyên nghiệp, đến nay 100% cơ sở giáo dục có đường truyền internet cáp quang và máy tính phục vụ công tác quản lý điều hành...

Xây dựng môi trường số trong quản lý

Để bắt kịp chuyển đổi số trong ngành giáo dục, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã tăng cường đầu tư, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin cho các nhà trường. Các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin như máy tính, máy chiếu và sử dụng mạng Internet để phục vụ cho việc dạy và học. Hiện tại, toàn ngành có gần 4.000 máy tính phục vụ quản lý điều hành, công tác chuyên môn; hơn 500 phòng máy tính với hơn 7.800 máy tính phục vụ việc học tập của học sinh; hơn 2.700 bộ thiết bị trình chiếu để dạy học trong nhà trường; hơn 300 bảng thông minh đã được trang bị.

Nhờ đó, hiện 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều triển khai sử dụng phần mềm quản lý nhà trường. Cụ thể toàn ngành có 660 trường đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường của VNPT và Viettel, trong đó có 300 trường sử dụng phần mềm VNEDU; 360 trường sử dụng phần mềm SMAS; hầu hết các đơn vị, trường học khai thác hiệu quả các thiết bị về công nghệ thông tin, hệ thống mạng internet, hệ thống các trang tin điện tử; thực hiện điện tử hóa các loại giáo án, hồ sơ, biểu mẫu thống kê, cập nhật thông tin về học sinh, đội ngũ trên cơ sở dữ liệu ngành... Cùng đó, các trường đều dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý để đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Để xây dựng môi trường số trong ngành, sở đã phối hợp với các đơn vị triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ GD&ĐT; kết nối trao đổi dữ liệu từ phần mềm quản lý trường học với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; tăng cường sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường, khuyến khích áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên luôn được sở quan tâm chỉ đạo. Nhờ vậy, số lượng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được nâng lên. Hiện nay, toàn ngành giáo dục tỉnh có trên 80% cán bộ quản lý, hơn 73% giáo viên và hơn 30% nhân viên có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và nâng cao.

Các phần mềm quản lý học tập và quản lý học sinh như VNPT Edu, SMAS sau khi được triển khai đã được các đơn vị thực hiện hiệu quả, giúp quản lý thông tin học sinh, theo dõi điểm số và giao tiếp giữa nhà trường với phụ huynh thuận lợi. Cùng với đó, các ứng dụng học tập trực tuyến như: Zoom, Microsoft Teams và Google Classroom đã được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số cho 100% cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn ngành có hơn 17.800 chữ ký số được cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên (Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác quản lý dạy và học). Bước đầu, các nhà trường đang thực hiện ký số trên hồ sơ điện tử gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ.

Đổi mới công tác giảng dạy

Để giúp giáo viên bắt nhịp chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu chuyển đổi số vào giảng dạy, trong năm 2023, hơn 2.000 giáo viên trên địa bàn tỉnh đã được tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn công nghệ thông tin và trên 80% trong số đó đã áp dụng những kiến thức mới vào giảng dạy. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tính đến cuối năm 2023, hơn 85% giáo viên trên địa bàn tỉnh đã thành thạo sử dụng ít nhất một phần mềm giảng dạy trực tuyến. Nhờ đó, trong năm học 2023 – 2024 vừa qua, 60% học sinh cấp THCS và THPT đã sử dụng ít nhất một ứng dụng học tập trực tuyến; 70% giáo viên tại các trường THPT trong tỉnh đã chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang sử dụng bài giảng điện tử.

Khảo sát tại Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn cho thấy, học sinh thường xuyên trao đổi và thảo luận với giáo viên qua các nền tảng trực tuyến như Google Classroom và Zoom.

Cô Lê Trúc Hà, giáo viên môn Ngữ Văn của trường cho biết: Hiện nay, giáo viên ngoài truyền đạt kiến thức trên lớp theo phương pháp truyền thống, chúng tôi còn thường xuyên sử dụng Google Classroom để giao bài tập, chia sẻ tài liệu học tập và tổ chức các buổi học trực tuyến qua Zoom. Cụ thể, giáo viên sử dụng phần mềm tạo ra các bài giảng điện tử bằng PowerPoint và Prezi, kết hợp với video và hình ảnh minh họa sinh động. Các bài giảng này được lưu trữ trên Google Drive và chia sẻ với học sinh qua Google Classroom. Trong các buổi học, giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ để thảo luận và giải quyết bài tập, giúp tăng cường tương tác giữa học sinh và giáo viên.

Cùng với nền tảng số được đẩy mạnh, nhiều trường đã xây dựng và phát triển các bài giảng số, tài liệu học tập số, giúp học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời các trường đã sử dụng các phần mềm giảng dạy trực tuyến và công cụ hỗ trợ học tập để tổ chức các tiết học trực tuyến.

Ngoài ra các thư viện số và kho tài liệu học tập trực tuyến đã được thiết lập, giúp học sinh tiếp cận với nguồn tài liệu phong phú và đa dạng. Học sinh cũng được khuyến khích tham gia các khóa học trực tuyến và các cuộc thi về kỹ năng số nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành.

Em Chu Minh Quân, lớp 7C (năm học 2023 - 2024), Trường THCS thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập chia sẻ: Trước đây, việc học tập của chúng em chủ yếu dựa vào sách vở và bài giảng trên lớp. Nhờ công nghệ số, hiện nay em có thể tiếp cận với rất nhiều tài liệu học tập phong phú và đa dạng trên internet. Thầy cô thường xuyên sử dụng các nền tảng như Google Classroom và Zoom để tổ chức các buổi học trực tuyến và chia sẻ tài liệu, điều này rất tiện lợi vì em có thể truy cập tài liệu học bất cứ lúc nào và từ bất cứ đâu.

Trên cơ sở phát triển của các thiết bị số, nhiều giáo viên sử dụng các thiết bị di động và máy tính bảng để trình chiếu bài giảng, chiếu video minh họa và hướng dẫn học sinh trong các bài học, các thiết bị này giúp mang lại sự sinh động cho bài giảng, học sinh dễ dàng hiểu bài hơn và tăng cường tương tác.

Đơn cử như tại Trường Tiểu học và Trường THCS xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, giáo viên đã sử dụng máy tính bảng để dạy các môn học như Toán và Khoa học, học sinh có thể xem video hướng dẫn và thực hành trực tiếp trên thiết bị. Cùng với đó, việc truy cập vào kho tài liệu phong phú từ internet giúp giáo viên có thêm nguồn tư liệu để giảng dạy và học sinh có thể tiếp cận với kiến thức mới một cách dễ dàng. Hay như tại Trường THCS Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, nhà trường đã kết nối internet và thiết lập một phòng học máy tính quy mô nhỏ, nơi giáo viên có thể truy cập và tải tài liệu từ các trang web giáo dục; học sinh cũng được khuyến khích sử dụng máy tính để tự học...

Qua đây có thể thấy, sử dụng công nghệ số giúp giáo viên có nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo và sinh động hơn; học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và hứng thú hơn với bài học.

Với sự phát triển không ngừng của chuyển đổi số, trong thời gian tới, các đơn vị, trường học sẽ tiếp tục khuyến khích giáo viên sáng tạo và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới, sử dụng các công cụ và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giảng dạy; tạo ra các nội dung học tập điện tử phong phú và đa dạng, bao gồm video bài giảng, bài tập trực tuyến và tài liệu tham khảo; hướng dẫn học sinh cách tự học và khai thác tài liệu học tập trực tuyến một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nganh-giao-duc-chu-dong-bat-nhip-chuyen-doi-so-5017317.html