Ngành giáo dục đào tạo tiếp tục có giải pháp giúp học sinh vượt qua rào cản tâm lý trong mùa dịch

Hiện nay, phần lớn học sinh trên địa bàn đã trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, nỗi lo dịch bệnh vẫn thường trực đeo bám, ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở GD&ĐT MAI HUY PHƯƠNG về những nỗ lực giúp học sinh bước qua rào cản tâm lý trong mùa dịch.

- Thưa ông! Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh như hiện nay, ngành giáo dục tỉnh đã làm gì để việc dạy và học thích ứng an toàn?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh về việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh như hiện nay, Sở GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong hoạt động dạy và học. Sở đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ quản lý, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học về xây dựng phương án, kịch bản dạy học và công tác phòng chống COVID-19 trong dạy học trực tiếp tại tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chủ động, kịp thời, đồng bộ, không chủ quan, lơ là, bảo đảm nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

- Học tập trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, ngoài thể chất, vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh đang nhận được nhiều sự quan tâm. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Từ khi COVID-19 nảy sinh đến nay, vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh đã và đang là nỗi trăn trở, mối quan tâm rất lớn của những người công tác trong ngành giáo dục. Có thể khẳng định việc tổ chức dạy học online là giải pháp kịp thời, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hình thức dạy học này đã và đang mang lại hiệu quả đối với các học sinh có khả năng tự học cao, chủ động khám phá, quản lý tốt thời gian…

Tuy nhiên, việc dạy học online kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ngồi lâu trước màn hình có thể làm mỏi mắt, đau nhức vai gáy, vẹo cột sống… Không những thế, lịch học online dài ngày thường khiến học sinh mất cân bằng trong nhu cầu giao tiếp và dễ buồn chán. Việc nghiện mạng, dành quá nhiều thời gian xem youtube, chat với bạn hay chơi game có nguy cơ gia tăng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các em khó tập trung khi học online. Đáng ngại hơn, một số em đối diện với sự xuống dốc về sức khỏe tinh thần, thường căng thẳng, lo âu, mất kiểm soát cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, dễ nóng giận... Bước sang giai đoạn bình thường mới, học sinh trở lại trường trong bối cảnh số ca COVID-19 trên địa bàn vẫn không ngừng tăng. Sự bất an là điều không thể tránh khỏi đối với các em.

- Vậy, ngành giáo dục đã và đang có những nỗ lực như thế nào để giải quyết vấn đề này?

- Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực thực hiện các giải pháp đảm bảo vừa phòng chống COVID-19 hiệu quả, vừa chủ động thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho người học; bảo đảm trường học an toàn; đáp ứng hài hòa giữa điều kiện của cơ sở giáo dục và nhu cầu thực tế của người học...

Xác định việc tổ chức dạy học online là giải pháp kịp thời, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sở vẫn đang tập trung nâng cao chất lượng hình thức giáo dục này. Chúng tôi đã rà soát, hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; phát triển các nguồn học liệu điện tử; nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục…Trong dạy học online, sở khuyến khích thầy cô giáo tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh tự nghiên cứu; tổ chức cho các em thảo luận, luyện tập, thực hành; triển khai các hoạt động nhà trường, đoàn, đội theo hình thức online… Ngành cũng đã và đang có các giải pháp ưu tiên nguồn lực bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến; có chính sách hỗ trợ giáo viên, trẻ em, học sinh khó khăn không có phương tiện để dạy và học trực tuyến; huy động sự chung tay, góp sức của tổ chức, cá nhân hảo tâm để giúp đỡ học sinh nghèo…

 Tập huấn công tác phòng chống COVID-19 cho cán bộ, giáo viên - Ảnh: T.L

Tập huấn công tác phòng chống COVID-19 cho cán bộ, giáo viên - Ảnh: T.L

Đặc biệt, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh là một trong những nhiệm vụ nhận được sự quan tâm lớn của ngành giáo dục. Chúng tôi đã sớm xây dựng, tập trung triển khai và khuyến khích phát triển các hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ về sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, sở chú trọng tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên biện pháp hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý. Hiện tại, các trường học trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giúp các em vượt qua những sang chấn tâm lý nếu có.

- Ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, theo ông, phía gia đình cần phải vào cuộc như thế nào để giúp học sinh giải quyết những vấn đề về tâm lý do COVID-19?

- Ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, gia đình là yếu tố hết sức quan trọng trong việc khắc phục những những vấn đề về tâm lý do COVID-19 gây ra. Ba mẹ học sinh phải luôn đồng hành, làm tốt công tác tư tưởng cho con em đối với việc học trực tuyến để học sinh hiểu rõ, chuẩn bị tâm thế để tiếp cận phương pháp này. Một điều quan trọng khác là ba mẹ cần rèn nền nếp học tập tự lập, động viên, khen ngợi tạo sự hưng phấn trong học tập cho học sinh; thường xuyên cập nhật kiến thức chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch; tạo bầu không khí thoải mái để con em mình học tập có hiệu quả hơn… Ba mẹ cũng cần chú ý giúp con có thói quen tốt khi trở lại trường và tham gia các hoạt động cộng đồng như: thường xuyên đeo khẩu trang, khử khuẩn; hạn chế tập trung đông người; mang theo bình nước riêng…

- Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục có giải pháp gì để bảo đảm sức khỏe tinh thần, giúp học sinh vững vàng vượt qua COVID-19, thưa ông?

- Hiện nay, ngành giáo dục cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng đang dần khôi phục các hoạt động dạy và học trở lại bình thường. Những người công tác trong ngành đã, đang và sẽ có nhiều giải pháp cho học sinh trở lại trường trong tâm thế: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để giúp học sinh vượt qua rào cản về tâm lý do COVID-19 gây ra, chúng tôi xác định, điều tiên quyết là tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của giáo viên trong phòng, chống dịch bệnh. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy, cô giáo sẽ giúp học sinh trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với phụ huynh, chuyên gia tâm lý để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh; có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh gặp khó khăn do đại dịch; tổ chức các chương trình giao lưu trực tuyến, chương trình học thật để các em có điều kiện giao lưu, học tập, rèn luyện; khuyến khích học sinh tham gia hoạt động giúp ích cho sự phát triển thể chất và tinh thần...

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166043&title=nganh-giao-duc-dao-tao-tiep-tuc-co-giai-phap-giup-hoc-sinh-vuot-qua-rao-can-tam-ly-trong-mua-dich