Ngành nước giải khát trước áp lực đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đối tượng, ngành hàng. Bởi, một khi chính sách được thông qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh cũng như sinh kế của hàng triệu lao động.
Tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh
Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đề xuất bổ sung nước giải khát vào danh mục đối tượng chịu thuế này. Theo đó, nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml được kiến nghị chịu mức thuế suất 10%. Đề xuất này của Bộ Tài chính được đánh giá là “cú sốc” mạnh tới ngành sản xuất nước giải khát, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội trong bối cảnh kinh tế nước ta đang khó khăn, chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, ngành nước giải khát đang tạo ra hơn 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp và tham gia tích cực vào các chương trình trách nhiệm xã hội như cung cấp nước uống sạch, nâng cao năng lực phụ nữ, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngành nước giải khát có sự tham gia của rất nhiều DN vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị. Do đó, khi ngành nước giải khát bị ảnh hưởng sẽ tác động gián tiếp tới 9.000 DN vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của DN và sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA) Chu Thị Vân Anh cho rằng, hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng. Trong khi đó, việc áp thuế sẽ gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế.
Theo bà Chu Thị Vân Anh, việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu – vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế. Điều này khiến mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống.
Ngoài ra, theo đại diện VBA, việc bổ sung nước giải khát vào đối tượng chịu thuế TTĐB ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các DN trong ngành. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối DN nhỏ và vừa, nhiều DN phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhờ những hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80%. “Các DN trong ngành đã và đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo theo sự suy giảm xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu gia tăng” - bà Vân Anh cho biết.
Bên cạnh đó, các DN cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới về tái chế, kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, các loại phí môi trường dự kiến bổ sung.
Đánh giá lại tính hiệu quả kiểm soát thừa cân béo phí
Trong Bộ tài liệu hồ sơ dự thảo Luật thuế TTĐB đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính dề xuất “Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo đề xuất này của Bộ Tài chính cho thấy, nước giải khát có đường là nguyên chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì nên cần phải áp thuế TTĐB để đẩy giá thành lên cao từ đó hạn chế tiêu dùng.
Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cơ sở khoa học xác định và khẳng định nước giải khát có đường là thủ pham chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam để từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có những đề xuất hợp lý.
TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: “Việc đánh thuế TTĐB với các nước giải khát có đường tại một số nước cho thấy chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Người tiêu dùng giảm tiêu thụ lượng nước giải khát có đường nhưng lại tìm kiếm các nước giải khát cũng có đường khác như trà hoặc các nước trái cây có đường từ đường phố.”
Một vấn đề khác cần lưu ý là nhu cầu và thói quen sử dụng đồ uống có đường của người tiêu dùng trong bối cảnh trên thị trường hiện nay có đa dạng các đồ uống có đường khác được sản xuất công nghiệp hay thủ công, được kết hợp “combo” với các món ăn, thay đổi liên tục theo xu hướng phù hợp và thu hút giới trẻ thì liệu,việc chỉ đánh thuế nước giải khát có đường được sản xuất công nghiệp có thực sự hiệu quả.
Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo phân tích, đề xuất của Bộ Tài chính chỉ bổ sung nước giải khát theo TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam), có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, “Khi chúng ta áp dụng và căn cứ vào TCVN như vậy thì đôi khi chúng ta lại vừa thừa và vừa thiếu, chúng ta không đảm bảo được sự công bằng” – TS Nguyễn Minh Thảo nêu ý kiến.
Cùng quan điểm này, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA Đỗ Thái Vương chia sẻ, việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm nước giải khát theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách. Khi mà các sản phẩm khác đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước. Đồng thời khó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giúp tăng thu ngân sách.