Ngày 4/6, Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4 - 6/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch.

Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề, lần lượt là tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các bộ có liên quan sẽ tham gia trả lời chất vấn với 4 vị "Tư lệnh" ngành về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Theo chương trình, từ 9h50 đến 11h20 ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ phát biểu, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Vào ngày cuối cùng của phiên chất vấn, ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền) làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo thông lệ, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp điều hành chất vấn tất cả các nhóm vấn đề.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hà Giang) cho biết, đại biểu đồng tình với các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn lần này. Theo đại biểu, đây là các vấn đề có tính thời sự, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn cũng đáng báo động, vấn đề nước khan hiếm đang diễn ra khó lường trong tương lai, lưu vực các sông đang dần thiếu nước. Tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên thị trường, dù ngành chuyên môn vẫn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, vấn đề phát triển mạnh du lịch, góp phần phát triển kinh tế đất nước, văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế đang đặt ra, được đông đảo nhân dân, cử tri quan tâm. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua, hoạt động quản lý văn hóa cũng bộc lộ còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp chưa được bảo tồn, chưa quan tâm đúng mức, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian ở một số đơn vị còn thụ động. Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) đặc biệt quan tâm vấn đề liên quan đến đời sống sát sườn của nghệ sĩ, vận động viên như: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao…

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đến các đại biểu Quốc hội nêu rõ, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế.

Cụ thể là chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng). Tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.

Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao.

Một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao quốc tế, tuy nhiên đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.

“Hạn hán, ô nhiễm nguồn nước chạm tới mọi gia đình”

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội), 4 nhóm vấn đề này để chất vấn là lựa chọn "trúng", “đúng”. Đây là 4 nhóm vấn đề rất nổi cộm, bao quát. “Các vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch được chất vấn vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài, có sự tác động trực tiếp tới đời sống cử tri, nhân dân” - đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước đang chạm tới mọi gia đình và cả tương lai của đất nước. Ảnh TL

Hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước đang chạm tới mọi gia đình và cả tương lai của đất nước. Ảnh TL

Đại biểu cho rằng, các vấn đề này nếu được giải quyết tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới. Trong đó, vấn đề thuộc ngành Tài nguyên - môi trường như hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước thực sự đang động chạm tới mọi gia đình và cả tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến công thương là hoạt động thương mại điện tử và việc thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đưa ra được giải pháp phát triển thể thao trường học để tạo nguồn vững chắc cho thể thao thành tích cao; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử của đất nước để phát triển công nghiệp văn hóa...

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ kỳ vọng các trưởng ngành nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, thẳng thắn giải trình, làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia, các hệ sinh thái, tài nguyên biển đã và đang suy thoái, diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng. Sự gia tăng chất thải ra cửa sông, ven biển, ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cửa sông, ven biển làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển.

“Nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì các hệ sinh thái biển và sinh cảnh quan trọng, nguồn lợi thủy sản sẽ tiếp tục bị suy thoái (suy giảm chất lượng, số lượng, thu hẹp diện tích, thậm chí một số loài có thể biến mất). Khả năng thiếu nước ngọt cục bộ sẽ tiếp tục xảy ra tại một số vùng ven biển và hải đảo, nhất là ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long; ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ven biển ngày càng nghiêm trọng”, báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Với lĩnh vực kiểm toán, về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán, nhưng vẫn xảy ra sai phạm, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Kiểm toán Nhà nước hiện phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường kiểm toán thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030: kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động. Tập trung kiểm toán những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, các nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.

"Nghiện mua hàng", lừa đảo trên mạng là hệ lụy của thương mại điện tử

Đối với chất vấn các vấn đề của Bộ Công thương, báo cáo của Bộ Công thương đã nêu hạn chế trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Đó là, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp.

Theo đó, báo cáo nêu: Thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa..., trong đó đã phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, “nghiện mua hàng”.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngay-46-quoc-hoi-bat-dau-chat-van-cac-thanh-vien-chinh-phu-152158.html