Làng nghề nông sản Vĩnh Hòa ra đời từ rất lâu và ngày càng phát triển. Ban quản lý làng nghề gồm 3 thành viên. Theo ông Lưu Đức Bằng - Trưởng Ban quản lý, từ khi ông sinh ra thì làng đã có nghề. Làng có quyết định công nhận “Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa” từ năm 2005. "Đến hẹn lại lên", dịp Tết Nguyên đán, làng nghề, làng bánh Vĩnh Hòa lại tất tả "chạy Tết", mong mỏi có nguồn hàng dồi dào cho thị trường.
Làng có 245 hộ, trong đó 178 hộ tham gia vào hoạt động của làng nghề chiếm tỷ lệ 73%. Số còn lại tham gia vào các ngành nghề khác như buôn bán, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Những sản phẩm như: Bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh gai, bánh đa, bánh mướt hoạt động quanh năm. Để có những chiếc bánh thơm, ngon, đẹp thì nguyên liệu đầu vào phải chuẩn, sạch...
Riêng mặt hàng bánh chưng, bánh tét, giò bê sản xuất mạnh nhất từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là khoảng thời gian người dân làng nghề bận rộn nhất trong năm, thậm chí ăn ngủ ngay tại chỗ làm. Từ nhân đậu, thịt, đến lá giong, gạo làm bánh đều được các "nghệ nhân" tuyển chọn kỹ lưỡng.
Thời điểm này, mỗi gia đình cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 chiếc bánh chưng, bánh tét các loại, hàng chục tấn giò me. Khách hàng chủ yếu nội tỉnh và các khách sỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Sau khi tuyển chọn kỹ lưỡng, gạo làm bánh được ngâm đủ nước, thịt được thái miếng rồi trộn gia vị, thêm hành tím...
Mỗi gia đình làm nghề, ngoài lao động trong nhà còn phải thuê thêm 3 - 5 công nhân thời vụ và trả lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Riêng với giò me có xưởng có từ 7 - 12 công nhân. Thu nhập bình quân của những người làm bánh là 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Những chiếc bánh sau khi được đun đủ lửa, đúng giờ thì được vớt ra... xem như đã là thành phẩm.
Mỗi người dân trong làng đều coi đó là nghề chính, là kế sinh nhai của gia đình mình. Yếu tố chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.
"Luôn yêu nghề dẫu còn đó bao cực nhọc, làm ra những sản phẩm từ quê, từ ruộng vườn sạch, cung cấp cho bà con. Họ sử dụng thấy ngon, an tâm là bản thân thấy vui và phấn khởi, tự tin dù rằng cái nghề như con mọn. Quanh năm vẫn miệt mài, nhưng cứ vào vụ Tết thì tất bật hơn thảy... cũng chỉ mong có thêm những khoản thu nhập để có cái Tết ấm cúng, sung túc, an lành" - anh Lê Thái Yên, một trong những "lão làng" gói bánh ở làng này chia sẻ.
Hoàng Phạm