Nghề đan trúc trên đỉnh Hầu Chư Ngài

Thôn Hầu Chư Ngài, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa nằm cheo leo trên lưng núi. Khắp Hầu Chư Ngài toàn đồi núi xen lẫn những tảng đá lớn, đất đai khô cằn, thiếu nước không thể canh tác lúa hay một số loại hoa màu khác. Chính vì vậy, từ xa xưa, người dân nơi đây đã phát triển nghề đan trúc để đổi lấy ngũ cốc, thực phẩm. Đến nay, nghề đan trúc vẫn có sức sống bền bỉ, giúp người dân tăng thu nhập lúc nông nhàn.

Rừng trúc reo vui

Hầu Chư Ngài có điều kiện thích hợp để cây trúc rừng phát triển.

Hầu Chư Ngài có điều kiện thích hợp để cây trúc rừng phát triển.

Người dân Hầu Chư Ngài sử dụng 100% nguyên liệu là cây trúc rừng để đan lát. Đặc điểm của trúc rừng là có thân thẳng, đốt dài, dễ uốn dẻo, mấu cây mỏng nên dễ tạo ra những sản phẩm đẹp, được thị trường ưa chuộng. Ở Hầu Chư Ngài, bất kể đồ vật gì cũng có thể đan bằng cây trúc nhưng chủ yếu người dân hay đan lù cở, lồng đèn, nơm bắt cá, giỏ, rổ, rá...

Điều đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho nghề đan lát ở Hầu Chư Ngài rất dồi dào. Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp để canh tác lúa, ngô, đậu nhưng lại rất thích hợp cho cây trúc sinh trưởng và phát triển. Khắp các cánh rừng trước, sau, cạnh nhà người dân đều có những rừng trúc mướt xanh, rì rào trong gió.

Người dân không cần đi xa, chỉ cần ra sau nhà là đã chặt được những thân trúc về đan lát.

Người dân không cần đi xa, chỉ cần ra sau nhà là đã chặt được những thân trúc về đan lát.

Chẳng cần chăm sóc, cây trúc cứ sinh sôi, nảy nở, vươn mình trong nắng. Trải qua 4 mùa khắc nghiệt, cây trúc luôn như người bạn đồng hành cùng các hộ dân đi qua những ngày đói, no.

Không chỉ làm nguyên liệu phục vụ nghề đan lát, cây trúc còn trở thành vật liệu quan trọng trong cuộc sống mỗi gia đình người dân Hầu Chư Ngài. Cây trúc làm nhà ở, làm đũa, làm giàn bầu, giàn bí... Bởi quan trọng như vậy nên người dân Hầu Chư Ngài rất quý trọng những rừng trúc quanh nhà.

Truyền lửa cho đời sau

Chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn ngược dốc, đến những ngôi nhà gỗ của 120 hộ dân tộc Mông trong thôn Hầu Chư Ngài. Không khí năm mới còn phảng phất khắp nơi khi những bông hoa đào vẫn rực rỡ khoe sắc. Tiếng kèn kẹt vót nan vọng ra trong căn bếp của các ngôi nhà nghe có vẻ ghê tai nhưng đó lại là tiếng no ấm của các hộ dân nơi đây.

Lý A Sình với đôi bàn tay khéo léo tạo ra mối đan mịn, đẹp.

Lý A Sình với đôi bàn tay khéo léo tạo ra mối đan mịn, đẹp.

Anh Lý A Sình dùng đôi bàn tay thoăn thoắt luồn nan trúc vào nhau, đường đan đều tăm tắp trông thật đẹp mắt. Anh Sình biết đan từ khi 10 tuổi, nghề này do bố anh truyền dạy lại. Anh Sình chia sẻ: "Ngày bé, tôi thường chơi quẩn quanh bên bố. Khi ông đan trúc thường bảo tôi lấy cái này, cái kia, rồi dần dần ông chỉ tôi cách vót nan sao cho thật đẹp, phải biết vót nan đẹp sau đó mới có thể đan thành thạo được".

Đến giờ, anh Sình vẫn nhớ vật dụng đầu tiên mình đan thành công là chiếc giỏ đựng cá. Chiếc giỏ giờ vẫn được anh Sình treo trên gác bếp làm kỷ niệm. Đến nay, những vật dụng anh Lý A Sình làm ra không thể kể hết và được đánh giá là đẹp nhất, nhì trong thôn. Và giống như bố anh, khi ngồi đan, anh Sình cũng gọi hai đứa trẻ của gia đình ngồi cạnh, nhờ chúng lấy nan, lấy dao, anh cũng chỉ các bé cách tiếp cận với nghề đan trúc từ các bước cơ bản nhất.

Cả gia đình quây quần đan lát.

Cả gia đình quây quần đan lát.

Cách đó không xa, ngôi nhà của Lý A Dé nằm nép mình bên rừng trúc quanh năm xanh tốt, anh vừa chặt một bó trúc lớn gác bên hông nhà chuẩn bị đan lù cở đem xuống chợ bán. Trong nhà, những chiếc nan mỏng, đều, mịn đẹp đã sẵn sàng. Anh Dé biết đan từ khi 11 tuổi, nghề này cũng được bố anh truyền dạy. Đến nay, anh là một trong những thợ đan lành nghề trong thôn, mỗi ngày, anh có thể đan xong 1 chiếc lù cở với tiền lãi khoảng 200 nghìn đồng. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh đi làm thuê cho một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nghề đan trúc tạm gác lại nhưng khi dịch bệnh phức tạp, du lịch đóng băng, anh ở nhà kiên trì với nghề đan trúc. Nghề đan đem lại nguồn thu nhập ổn định trong thời gian anh không có việc làm. Đến nay, anh Lý A Dé quyết định gắn bó với nghề truyền thống này.

Nghề đan trúc được chú trọng truyền dạy cho đời sau.

Nghề đan trúc được chú trọng truyền dạy cho đời sau.

Ở Hầu Chư Ngài, từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng biết nghề đan trúc. Người cao tuổi nhất là cụ Giàng A Pâu (90 tuổi) vẫn đan nhanh thoăn thoắt. Cụ Pâu bảo, thiên nhiên không ưu đãi những điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp nhưng đổi lại cho cây trúc bạt ngàn xanh tốt giúp người Mông nơi đây dù không thể trồng lúa, trồng ngô cũng không bị đói.

Từ những giá trị mà nghề đan lát đem lại, đến nay, nghề đan không bị mai một, thậm chí ngày càng phát triển khi người trong thôn luôn chú trọng truyền dạy cho thế hệ sau. Những đứa trẻ ở Hầu Chư Ngài từ khi chập chững biết đi đã được tiếp xúc với cây trúc, với những nan đan. Vì vậy, nhiều đứa trẻ lên 9, lên 10 đã đan thành thạo và có thể bán sản phẩm ra thị trường. Khi du lịch phát triển, đây cũng là một làng nghề được du khách trong và ngoài nước thích thú tìm hiểu, khám phá.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364706-nghe-dan-truc-tren-dinh-hau-chu-ngai