Nghề rèn của người Bahnar Đông Trường Sơn

Nhiều năm tìm hiểu thực tế tại vùng Đông Trường Sơn, chúng tôi mới có dịp tận thấy một lò rèn Bahnar đỏ lửa. Đó là bếp lò rèn của già làng Hmêh. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966. Sau một lần bị thương vì bom, ông gần như bị điếc nên được đơn vị đưa về tuyến sau. Ông kể: “Mình biết nghề rèn nên được đưa về Huyện đội Kbang sung vào đội quân thợ rèn của đơn vị, làm dao, rựa, cuốc, xẻng phục vụ sản xuất, thỉnh thoảng tham gia vận tải lương thực.

Trong tổ có bộ đội người Kinh lẫn người Bahnar, là những thợ rèn giỏi. Nhờ vậy mà mình học được rất nhiều thứ. Bà con Bahnar trong vùng cũng mang sắt tới nhờ rèn cái rìu, cái rựa hoặc sửa chữa dụng cụ lao động bị hư hỏng, sứt mẻ. Mình làm giúp nhưng bà con thường cho lại một vài lon gạo”. Cũng theo ông Hmêh, thời kỳ chiến tranh, việc đi lại khó khăn, dụng cụ sản xuất cũng khan hiếm. Đàn ông Bahnar đi rừng, đi rẫy thì không thể thiếu cái xà gạc, con dao, cái rựa, xem như vật bất ly thân và họ rất quý chúng.

Sau khi xuất ngũ trở về làng Stơr sinh sống, ông Hmêh mải lo nương rẫy, con cái. Trước khi bước vào mùa phát rẫy làm nương hay “mùa ning nơng”, dân làng Stơr và các làng Bahnar quanh vùng thường thu gom nông cụ gùi ra các lò rèn ở An Khê sửa chữa hoặc làm mới. Lễ hội thì vào rừng chặt cây, đẽo tượng mồ, con dao, cái rìu, cái rựa phải thật bén sắc. Những con dao có cán dài với phần lưỡi ngắn nhưng rất bén để chia thịt, cắt tiết gà hiến tế thần linh. Hay vào mùa phát rẫy làm nương cũng vậy, công cụ lao động phải được chuẩn bị chu đáo vì chủ yếu phụ thuộc “sức người và đồ sắt”.

“Hồi đó, bà con phải đi bộ ra An Khê tìm lò rèn, có khi phải nắm cơm mang theo, đi 2 ngày mới về. Thấy vất vả quá nên mình kiếm đồ nghề, về đắp cái lò rèn bằng đất sét để phục vụ gia đình và giúp bà con. Đó là kiểu lò rèn truyền thống, quay tay tạo nhiệt nên mỗi khi rèn phải có 2 người mới làm được”-già làng Hmêh kể lại.

Từ chiếc lò rèn hết sức thô sơ gồm lò thổi đắp bằng đất sét, quay tay, đe, búa, kẹp, than củi, ông Hmêh đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn công cụ lao động có khả năng “ăn cây”, “ăn đất”.

Chị Đinh Lyai (con gái già Hmêh) cho hay: Chị nghỉ học sớm nhất nên phải phụ mẹ làm rẫy, phụ bố làm lò rèn. Hồi đó chưa có máy khò như bây giờ mà toàn phải quay tay thổi lửa. “Có những ngày làm đến đêm khuya vẫn chưa đi nghỉ, có khi mình vừa quay vừa ngủ gật. Nhưng bố cẩn thận, miệt mài, rèn ra những cái rìu, cái rựa sáng bóng, sắc bén”-chị Lyai tâm sự.

Còn anh Đinh Mỡi (con trai già Hmêh) thì chia sẻ: “Người ta mang sắt tới cho bố rèn con dao, cái rựa, tiền công cũng chỉ 5-10 ngàn đồng. Không có tiền thì trả bằng gạo. Vậy nhưng, kết thúc mùa rèn chừng 1 tháng, bố để dành được cả triệu đồng. Thời điểm đó, đây là số tiền rất lớn để gia đình nuôi chúng tôi ăn học. Sau này, công cụ lao động bán phổ biến nên người dân mua về dùng, vừa rẻ vừa nhanh. Thế nhưng, nhiều người vẫn mang đồ mới mua tới nhờ ông già tôi làm thêm cho sắc hay sửa lại theo ý thích”.

Lò rèn của già làng Hmêh thỉnh thoảng đỏ lửa là vì vậy. Thanh sắt nung đỏ dưới sức nóng của than hồng phản chiếu trong đôi mắt tinh anh của người nghệ nhân già là giây phút ông quên hết mọi thứ xung quanh. Người đàn ông gần 80 mùa rẫy đã yếu đi nhiều nhưng những nhát búa vẫn luôn dứt khoát trên đe. Ông nói rằng, mỗi dân tộc có cách sử dụng công cụ lao động riêng. Tập quán sản xuất, sinh hoạt của người Bahnar gắn liền với những công cụ sản xuất đặc trưng mà đồ bán sẵn không dễ đáp ứng.

Nghề rèn của người Bahnar. Thực hiện: HOÀNG NGỌC

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-ren-cua-nguoi-bahnar-dong-truong-son-post296041.html