Nghị lực vươn lên của thương binh Nguyễn Bá Toản

Mang thương tật 62%, cựu chiến binh Nguyễn Bá Toản (sinh năm 1960), thôn Thượng Thanh, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội khi trở về cuộc sống đời thường luôn nỗ lực vượt qua nỗi đau thể xác, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhiều năm qua, ông đã là chủ của xưởng dệt len và xưởng thêu vi tính, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Cơ duyên làm giàu từ đồng đội

Năm 1978, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Toản vừa tròn 18 tuổi, hăng hái lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Sau khi được đào tạo, huấn luyện sơ cấp tại Trường Quân y Quân khu 3, đồng chí Toản được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong một lần làm nhiệm vụ, xe của ông bị lật, khiến ông bị thương rất nặng, nhất là khu vực đầu. Ông được đưa về Bệnh viện Quân y 47 (Quảng Ninh) điều trị.

 Cựu chiến binh Nguyễn Bá Toản chia sẻ những câu chuyện về thời chiến.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Toản chia sẻ những câu chuyện về thời chiến.

Sau 3 năm điều trị, ông Toản xuất ngũ trở về quê nhà với tỷ lệ thương tật 62%. Những hôm trái gió trở trời, vết thương tái phát khiến ông rất đau đớn.

Vào thời điểm đó, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp và tiền trợ cấp thương binh nên khá khó khăn. Năm 1996, một lần đến thăm đồng đội cũ ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), ông Toản được bạn giới thiệu về nghề dệt len. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ và luôn ghi nhớ lời dạy của Bác về “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Toản đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 200 triệu đồng, đầu tư mua máy dệt len với mong muốn tạo công ăn việc làm cho gia đình và người dân địa phương. Thời điểm đó, xưởng dệt len của gia đình ông Toản đã giúp khoảng 40 lao động trong thôn có công ăn, việc làm và thu nhập ổn định.

Do ban đầu chưa có kinh nghiệm làm nghề, vốn lại hẹp nên công việc làm ăn lúc thành, lúc bại. Với quyết tâm của một người lính, vừa làm, vừa học hỏi, bổ sung kiến thức, thương binh Nguyễn Bá Toản dần dần thành thạo với công việc dệt len. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông đã ngày một khấm khá, có điều kiện nuôi dạy các con ăn học.

Năm 2009, mặt hàng dệt len gặp khó khăn trên thị trường, khiến xưởng dệt của ông phải đóng cửa. May mắn, ông lại được đồng đội giới thiệu biết tới nghề thêu vi tính. Một lần nữa, không ngại khó khăn, gian khổ, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, người thân, bạn bè, đồng đội với tổng số tiền 700 triệu đồng để mua máy móc mở xưởng thêu vi tính.

 Ông Toản làm giàu từ nghề thêu vi tính.

Ông Toản làm giàu từ nghề thêu vi tính.

May mắn khi đến với nghề này, xưởng của ông đón nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các khách gần xa. Đặc biệt, không chỉ giúp cho gia đình ông có thu nhập ổn định mà còn tạo công ăn, việc làm cho 12 lao động thường xuyên. Với sự nỗ lực, phấn đấu, liên tục học hỏi và đổi mới công nghệ theo thời đại, đến nay, ông Toản đã là chủ của 2 xưởng thêu vi tính có quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu năng suất cao của công việc và đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Người cựu chiến binh gương mẫu

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Toản còn được đồng đội tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Thương binh tình nghĩa xã Thanh Cao và tham gia công tác Hội Cựu chiến binh của xã.

Trong các hoạt động, ông luôn gương mẫu, nhiệt tình với công việc và luôn đi đầu trong việc vận động bà con, lối xóm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông thường xuyên giúp đỡ, định hướng cho đồng chí, đồng đội và các gia đình khó khăn làm kinh tế, tích cực ủng hộ quỹ an sinh xã hội ở địa phương.

Với tinh thần tận tụy trong công việc, sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, ông Toản đã được các cấp tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2017, ông vinh dự được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, nhiều năm liền được Hội Cựu chiến binh xã Thanh Cao tặng giấy khen về năng động phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Cao cho biết: “Thương binh Nguyễn Bá Toản là một hội viên cựu chiến binh tiêu biểu. Ông luôn tích cực vận động mọi người tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa, nông thôn mới. Bên cạnh đó, ông còn tạo điều kiện giúp con em cựu chiến binh có việc làm... Thương binh Nguyễn Bá Toản thực sự là tấm gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo”.

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghi-luc-vuon-len-cua-thuong-binh-nguyen-ba-toan-746051