Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm và hai 'đại sự' quốc gia

Thuế tối thiểu toàn cầu, 'thuế carbon' - hai vấn đề 'mới nổi' sẽ tác động đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của nước ta - đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm (Nghị quyết số 101/2023/QH15). Việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ đề xuất giải pháp chính sách phù hợp với hai cơ chế thuế này tiếp tục cho thấy tầm nhìn xa, rộng cũng như tinh thần kề vai sát cánh của cơ quan lập pháp với Chính phủ trong việc tìm đối sách cho những 'đại sự' của quốc gia.

Được thực thi từ đầu năm tới, thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. 163 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đồng thuận với giải pháp này. Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính. Theo nguyên tắc đã công bố, các quốc gia có thể không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng buộc phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà quốc gia khác áp dụng.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến thu hút FDI của nước ta. Khi chính sách này được áp dụng, một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm phần thuế bổ sung về quốc gia họ đặt trụ sở chính. Như vậy, phần ưu đãi thuế họ được hưởng trước đây sẽ không còn hoặc giảm đáng kể. Và khi công cụ ưu đãi thuế không còn “hiệu nghiệm” nữa, nước ta có thể thất thế trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI. Đồng thời, nếu không hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế.

Tháng 4.2023, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ ra sốt ruột vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách để tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức nhưng Chính phủ chưa có đề xuất. Liền sau đó, những chuyển động liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu mới diễn ra sôi động. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng ngay lập tức "vào cuộc". Và, với yêu cầu Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Chính phủ chắc chắn sẽ xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, sớm trình Quốc hội thảo luận để có giải pháp phù hợp nhất.

Thuế phát thải khí nhà kính, gọi tắt là “thuế carbon” cũng là vấn đề rất mới với Việt Nam và chưa được ghi nhận trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, về thuế, phí. Đây là loại thuế đánh trên cơ sở lượng khí thải carbon tương đương phát ra trong quá trình sản xuất một đơn vị hàng hóa và các dịch vụ liên quan như chế biến, đóng gói và vận chuyển hay cả hoạt động logistics, đến tay người tiêu thụ. Có thể xem thuế carbon là một loại thuế phạt theo mức độ gây ô nhiễm, chủ yếu dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Nhiều quốc gia đã và sẽ áp dụng thuế carbon nhằm thúc đẩy nền kinh tế giảm phát thải. Điều này chắc chắn làm tăng áp lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các nước khác. Đặc biệt, trong tương lai gần, Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Trước mắt, ngay từ tháng 10 tới, EU sẽ đánh thuế carbon với sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro nhập khẩu. Vài năm tới sẽ đến lượt các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU như thiết bị điện tử lắp ráp, phụ tùng máy móc, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sắt thép, hàng thủy sản, xơ sợi…

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội Chính phủ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, thuế carbon và những ảnh hưởng của nó, không được đề cập. Mặc dù vậy, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ đề xuất giải pháp chính sách phù hợp với loại thuế này. Chắc hẳn, lãnh đạo Quốc hội và Quốc hội đã sớm dự liệu rằng thuế carbon là xu thế tất yếu và sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước ta. Hiện chưa có định hướng cụ thể về việc áp dụng thuế carbon nhưng với tính chất cần thiết của việc giảm phát thải khí nhà kính thì xây dựng lộ trình áp dụng thuế carbon rất cần được Chính phủ cân nhắc lúc này.

Thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon đều là những vấn đề mới và khó mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp chính sách phù hợp với hai loại thuế này không chỉ là “giao nhiệm vụ” mà còn thể hiện tinh thần đồng hành với Chính phủ trong tiến trình nâng cao năng lực dự báo và hoạch định chính sách, từ đó nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nghi-quyet-ky-hop-thu-nam-va-hai-dai-su-quoc-gia-i335099/