Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng 'cửa ngõ' phát triển: Bài 1 - Xác định 'đầu tàu' kinh tế

Phát triển vùng là chủ trương lớn của Đảng nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, ngành và địa phương. Qua đó, tạo các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững. Nhận thức đúng chủ trương của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua gần 2 nhiệm kỳ thực hiện, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã tạo tiền đề quan trọng để các địa phương vùng cửa ngõ của tỉnh bứt phá, trở thành động lực kéo theo các tiểu vùng khác phát triển.

Phát triển vùng là chủ trương lớn của Đảng nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, ngành và địa phương. Qua đó, tạo các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững. Nhận thức đúng chủ trương của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua gần 2 nhiệm kỳ thực hiện, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã tạo tiền đề quan trọng để các địa phương vùng cửa ngõ của tỉnh bứt phá, trở thành động lực kéo theo các tiểu vùng khác phát triển.

Bài 1 - Xác định "đầu tàu” kinh tế

Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Ảnh chụp tại Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình HKK.

Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Ảnh chụp tại Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình HKK.

Với 3 mục tiêu chiến lược tầm nhìn đến năm 2030, 9 giải pháp trọng tâm, có thể nói Nghị quyết số 17-NQ/TU đã xác định rõ "đầu tàu” kinh tế của tỉnh cùng những cơ chế, chính sách đưa khu vực này trở thành "lực kéo” của nền kinh tế.

Khi nghị quyết bắt nguồn từ đòi hỏi thực tiễn

Nghị quyết số 17-NQ/TU quy định phạm vi VĐL kinh tế của tỉnh gồm TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và 6 xã trung tâm của huyện Lạc Thủy; tổng diện tích toàn vùng chiếm gần 20% diện tích toàn tỉnh, có 54 xã, thị trấn.

Nghị quyết đặt mục tiêu: Xây dựng VĐL trở thành vùng phát triển năng động, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững, có vai trò tác động lan tỏa tới các vùng khác của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh. Định hướng đến năm 2030, kinh tế của VĐL có trình độ phát triển cao, khoa học công nghệ trở thành một trong những động lực chính trong phát triển KT-XH.

Đồng chí Quách Thế Tản, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã chỉ rõ: Trong bối cảnh nguồn lực phát triển có hạn, thì trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các vùng đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Vì vậy, Nghị quyết 17-NQ/TU về phát triển VĐL có thể nói là nghị quyết vừa đúng, vừa trúng. Đúng chủ trương của Đảng và trúng thời điểm góp phần đưa tỉnh phát triển.

Từ thực tế cho thấy, Nghị quyết số 17-NQ/TU cũng là lời giải cho bài toán thu hút đầu tư của tỉnh. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong điều kiện kinh tế cả nước, kinh tế khu vực phát triển mạnh mẽ, nếu chúng ta không có cơ chế đủ thoáng, đủ rộng và không có một khu vực tiềm năng để thu hút đầu tư thì chúng ta sẽ thụt lùi. Chính vì vậy, Nghị quyết số 17-NQ/TU được ví như một "chiếc áo" rộng hơn, phù hợp hơn cho vùng cửa ngõ của tỉnh phát triển.

TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thủy là vùng cửa ngõ của tỉnh khi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có các tuyến quốc lộ đi qua như quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 21A và nằm trên trục giao thông kết nối Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ. Chính vì vậy, vùng có mạng lưới giao thông thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa và phát triển KT-XH. Mặt khác, cả TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và Lạc Thủy đều có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế một cách năng động. Để có thể đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng, hơn bao giờ hết đòi hỏi phải có một cơ chế phù hợp, mở ra cơ hội mới và tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Tạo động lực cho sự phát triển

Ngay sau Nghị quyết số 17-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 27/3/2018 đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện nghị quyết. Trong đó, tập trung mạnh mẽ vào công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển đa dạng ngành, lĩnh vực.

Cụ thể hóa nghị quyết và kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển VĐL.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nghị quyết số 17-NQ/TU và Kế hoạch số 38/KH-UBND là cơ sở quan trọng để quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các huyện, thành phố và quy hoạch phát triển các ngành, trong đó tập trung vào các nội dung ưu tiên phát triển VĐL, cập nhật vào Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2030 được triển khai xây dựng sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực; xác định lĩnh vực ưu tiên để làm cơ sở thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển và cụ thể hóa quy hoạch thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện.

Tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho VĐL, như nâng mức hỗ trợ cho các khu, cụm công nghiệp, tăng tỷ lệ (%) phân chia của một số nguồn thu giữa các cấp ngân sách cho các địa phương; định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi riêng mang tính đặc thù cho các dự án đầu tư và dự án nhà ở xã hội vào vùng kinh tế động lực.

Nhờ có cơ chế thông thoáng, các nguồn lực đầu tư được ưu tiên, tập trung để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch...; nhiều khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ mới được hình thành; một số dự án sản xuất, kinh doanh trong vùng có đã có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác trong tỉnh. Đến nay, VĐL đã đóng góp 67,6% thu ngân sách nhà nước và 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; có 80,7% doanh nghiệp, 69,1% dự án đầu tư trong nước, 92,5% dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh được triển khai thực hiện tại địa bàn VĐL. Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH chung của toàn tỉnh, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

(Còn nữa)

Đinh Hòa - Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/194927/nghi-quyet-so-17-nqtu-ve-phat-trien-vung-dong-luc-go-kho-cho-vung-cua-ngo-phat-trien-bai-1-xac-dinh-dau-tau-kinh-te.htm